“Khi hẻm xuống cấp, khoảng tháng 8-2015, một số người có điều kiện trong hẻm muốn làm lại theo hình thức tự đầu tư. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến mức đóng góp không rõ nên khi triển khai gây ngỡ ngàng” - ông Nguyễn Kiến Hưng mở đầu câu chuyện.
Vượt quá khả năng
Trong đơn gửi cho Sở GTVT và nhiều đơn vị liên quan, ông Nguyễn Kiến Hưng - chủ khu đất ở hẻm 1023 đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) phản ánh thêm: “Hẻm đang thi công, làm lại hệ thống thoát nước nhưng khu đất của gia đình tôi không được đấu nối vì họ đòi số tiền quá cao, đến 200 triệu đồng”.
“Lúc đầu, kinh phí chủ yếu do những người có điều kiện trong hẻm lo, những hộ còn lại chỉ đóng góp khoảng 10 triệu đồng/hộ. Khi thi công đến khu đất của tôi thì tổ phó tổ quản lý dự án nói đóng tiền phải tính theo mét ngang, cứ 1 m đóng 5 triệu đồng. Đất gia đình tôi ngang 40 m phải đóng 200 triệu đồng, vượt quá khả năng của gia đình” - ông Hưng bày tỏ.
Công trình nâng cấp hẻm có thể gây áp lực cho những gia đình khó khăn. Ảnh: KB
“Nói không tiền là không hợp lý”
Ông Nguyễn Hữu Minh, tổ phó tổ quản lý dự án nâng cấp hẻm, cho biết hẻm trên rộng khoảng 8 m, dài 300 m, chi phí gần 1,5 tỉ đồng. “Những nhà có đất rộng đến 40 m, 20 m mà nói không có tiền là không hợp lý. Song chúng tôi không ép, những hộ không góp tiền thì chúng tôi không đấu nối vào hệ thống thoát nước mới. Mai mốt họ đưa xe tải hay xe cơ giới vào đây thì chúng tôi sẽ không cho” - ông Minh lập luận.
Theo ông Minh, trong hẻm có hơn 30 hộ, những người có điều kiện đóng góp từ 100 triệu đến 200 triệu đồng, hiện còn dưới 10 hộ chưa đóng tiền. Trong đó, có khoảng năm chủ đất không xuất hiện, một số hộ thì cho rằng mức đóng góp không hợp lý.
Ép đóng là không được
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Lê Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Phước Kiển, xác nhận sau khi hẻm và cống hư hỏng, người dân muốn nâng cấp nên có đơn gửi cho xã và được xã đồng ý. “Công trình do người dân tự thực hiện, mức đóng góp là tự nguyện nên xã không nắm rõ mỗi hộ đóng góp bao nhiêu. Xã sẽ kiểm tra, xem xét lại sự thỏa thuận của người dân cũng như phương thức thực hiện để đưa ra hướng giải quyết phù hợp” - ông Trí nói.
Theo ông Trí: “Nếu để xảy ra tình trạng dùng số đông áp đảo hay gây áp lực ép người nghèo thực hiện theo mong muốn của người giàu là không hợp lý”.
"Chưa thấy nơi nào đóng tiền nhiều thế” Một cán bộ phụ trách lĩnh vực thoát nước Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Tôi chưa thấy nơi nào yêu cầu đóng góp số tiền lớn như vậy. Địa phương nên xem xét lại để có hướng giải quyết thỏa đáng. Thông thường các dự án do dân tự làm, mức đóng góp chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không phải dựa vào diện tích nhà, đất”. _____________________________________ Ông Phương, người trong khu vực: Khu nhà xưởng của chủ tôi có bề ngang 20 m nên chắc cũng phải đóng đến 100 triệu đồng. Hiện chủ tôi đang đi nước ngoài, không biết với số tiền lớn thế này, chủ tôi có đồng ý không. Ông Dũng, nhà ở đầu hẻm: Hiện tôi chưa góp tiền vì chưa rõ cách thức thực hiện như thế nào. Việc tính theo mét ngang là không có cơ sở… |