Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị Trung tâm Chống ngập phối hợp với UBND quận Thủ Đức rà soát, thống kê số lượng hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng đường Tam Bình để có hướng giải quyết. Trước đó, Sở GTVT TP cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị khảo sát tình trạng ngập hẻm dọc theo các tuyến đường mới nâng cấp để tìm giải pháp khắc phục.
Cả trăm con hẻm thành ao tù
Theo khảo sát của Công ty Thoát nước Đô thị TP, hiện trên 23 tuyến đường đã được nâng cấp có cả trăm con hẻm thường xuyên ngập khi mưa lớn. Đó là các con hẻm trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức); Tam Bình, Cây Keo (quận Thủ Đức); Lũy Bán Bích, Tân Hóa (Tân Phú); Bà Hom, Kinh Dương Vương, Phạm Văn Chí (quận 6); Trang Tử, Trần Hưng Đạo (quận 5)… Thậm chí trên quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh cũng có cả chục tuyến hẻm có mặt đường cao hơn nhà dân 0,5-1 m.
Dù đã xác định được các khu vực bị ngập do ảnh hưởng bởi tình trạng nâng đường nhưng theo Công ty Thoát nước Đô thị TP để giải quyết được tình trạng này cần phải có sự nghiên cứu, phối hợp đồng bộ giữa Sở GTVT TP, Trung tâm Chống ngập, UBND các quận/huyện. Trước mắt, công ty chỉ đưa ra một số giải pháp cấp bách như lắp đặt thêm hầm ga, cống thoát nước…
Ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước (Sở GTVT TP), cho rằng thời gian tới cần đánh giá thật đầy đủ về sự cần thiết cũng như hiệu quả chống ngập đồng bộ của các dự án nâng đường. “Theo tôi, những khu vực nào đã thực hiện dự án ngăn triều (hạn chế triều xâm nhập) rồi thì nên cân nhắc kỹ khi nâng đường quá cao. Vì nâng đường chủ yếu là chống ngập triều, mà triều không còn ngập thì có cần thiết phải nâng đường quá cao không? Ngoài ra cũng phải tính toán xem vấn đề lún sụt thế nào, chứ đường cứ nâng mà lún cứ lún thì cũng không hiệu quả” - ông Mãnh bày tỏ.
Những hộ dân thuộc diện khó khăn, không có kinh phí sửa chữa nhà sẽ được TP hỗ trợ cho vay. Ảnh: T.THANH
Đi tìm giải pháp căn cơ
ThS Hồ Long Phi, chuyên gia chống ngập của TP, cho rằng chuyện nâng đường chống ngập biến nhà dân thành hầm đã nói đi nói lại nhiều, do hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ người dân nên mới gây nhiều bức xúc. “Theo tôi, phải có những cách làm cụ thể, hiệu quả hơn. Ví dụ như khu nào ngập sâu thì lắp đặt trạm bơm ngay. Hay khi thực hiện dự án nâng đường nên lồng ghép thêm hạng mục chỉnh trang đô thị khu vực ảnh hưởng. Chứ đợi có cơ chế chính sách thì còn lâu lắm” - ông Phi nói.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập, thông tin: Để khắc phục tình trạng ngập hẻm do nâng đường, theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo UBND TP, các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu làm các mương nhỏ để thu gom nước chảy tràn trên mặt đường. Cách này nhằm ngăn chặn tình trạng nước từ đường cao tràn vào hẻm gây ngập nhà dân.
“Còn để hạn chế nâng đường, có hai cách. Thứ nhất, sẽ thực hiện các giải pháp xây đê bao, cống ngăn triều. Những khu vực nào đã khống chế được triều cường thì không cần phải nâng đường lên quá cao. Thứ hai, sẽ nghiên cứu xây dựng khoảng 122 hồ điều tiết ngầm ở quận, huyện. Các hồ điều tiết này nhằm chứa nước, giảm ngập cho từng khu phố cụ thể. Qua đó cũng hạn chế được các dự án nâng đường” - ông Công nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân: Sẽ có hướng giải quyết, hỗ trợ dân Vấn đề đường nâng cao làm nhà dân thấp xuống, UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đề xuất các giải pháp khắc phục cụ thể. Đối với những hộ dân thuộc diện khó khăn, không có kinh phí sửa chữa nhà, TP sẽ xem xét hỗ trợ theo hướng cho vay tín dụng. Việc nâng đường ngoài mục đích chống ngập còn góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống. Theo đó, ở những khu vực thực hiện dự án, giá trị nhà đất của dân cũng tăng lên, người dân cũng được hưởng lợi rất nhiều. Vì thế báo chí cũng cần tuyên truyền thêm cho người dân hiểu về các mặt lợi ích này để chia sẻ những khó khăn của TP trong thời gian chưa thực hiện các giải pháp đồng bộ. UBND TP vừa không chấp thuận đề xuất nâng đường Huỳnh Tấn Phát để chống ngập cho quận 7 của Sở GTVT. TP lo ngại việc nâng đường sẽ gây ngập nhiều tuyến hẻm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Do cốt nền TP quá thấp nên trước mắt để chống ngập có lẽ cũng buộc phải nâng đường. Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng đến nhà dân, chúng tôi sẽ có những giải pháp đồng bộ hơn. Hiện Sở đã khảo sát và đề xuất thực hiện các nâng cấp hẻm dọc theo đường Phạm Văn Đồng. Khi lấy ý kiến, giải pháp nâng hẻm được phần lớn người dân đồng tình. Ông LÊ HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM |