Chọn lựa chất liệu cho thiết bị vệ sinh

Trước đây, thiết bị vệ sinh thường được làm bằng sứ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chất liệu mới được tìm kiếm và sử dụng để làm phong phú thêm cho sản phẩm. Người tiêu dùng càng có nhiều cơ hội để chọn lựa như đá tự nhiên, đá nhân tạo, kính, composite, arcryli, inox… Mỗi loại đều có một nét đặc trưng riêng cả về tính năng sử dụng, độ bền lẫn tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, lựa chọn chất liệu nào cho phù hợp với kết cấu tổng thể cũng là vấn đề nhiều người quan tâm.

Chất liệu sứ vẫn được ưa chuộng

Trang thiết bị phòng vệ sinh thường được sử dụng nhiều nhất là sứ tráng men. Đặc điểm của chúng là dễ lau chùi, mẫu mã đẹp, nhẹ, dễ phối màu. Giá cả hàng nội địa tương đối rẻ so với sản phẩm nhập ngoại từ các nước như Ý, Tây Ban Nha, Mỹ... Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm nhái chủ yếu từ Trung Quốc. Nếu người mua thiếu kinh nghiệm rất dễ chọn phải những sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, khách hàng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ cũng như các chế độ bảo hành. Thông thường các sản phẩm được bán đều có linh kiện thay thế kèm theo. Vì vậy, khi mua bạn cần kiểm tra xem có đủ hay không để dễ dàng thay thế nếu hư hỏng. Theo các kiến trúc sư, để đánh giá chất lượng thiết bị sứ vệ sinh, người mua cần dựa vào các chỉ tiêu như bề mặt men, độ rạn… Ngày nay, công nghệ chống dính mới làm cho bề mặt các thiết bị láng bóng, ngăn chất bẩn, vi khuẩn, nấm mốc bám vào. Với chậu rửa, ngoài kiểu dáng bạn còn phải quan tâm đến độ tiêu hao nước ở mỗi lần xả.

Chọn lựa chất liệu cho thiết bị vệ sinh ảnh 1

Sứ vẫn là chất liệu được nhiều người ưa chuộng. (Ảnh minh họa)

Tăng tính thẩm mỹ cho thiết bị

Đá tự nhiên thường được dùng để làm mặt bàn rửa mặt, trang điểm, bàn để lồng bồn tắm… Vẻ đẹp của đá tự nhiên tạo tính thẩm mỹ cao. Những tấm đá thường không giống nhau hay trùng lắp về vân hay màu. Tuy nhiên, đá thiên nhiên có độ mao rỗng trong cấu trúc. Vì vậy, cho dù bề mặt được mài phẳng nhưng chúng vẫn thấm nước và có thể vỡ nếu va chạm mạnh. Với đá nhân tạo không nung, kết cấu của nó có khoảng 70% là bột đá, đá nghiền tự nhiên; phần còn lại là keo resin gốc polymer làm chất kết dính cứng và đúc theo khuôn mẫu. Do vậy, sản phẩm này nhẹ hơn loại bằng đá tự nhiên khoảng 30%. Nhờ sự có mặt của bột đá tự nhiên và hóa màu nên sắc diện được tạo thành giống như đá hoa cương, đá cẩm thạch, mã não… Vì kết cấu cốt liệu khá đơn giản, kết dính bằng keo đặc biệt nên có thể chế tác sản phẩm đa dạng như bồn rửa mặt, bồn rửa chén, bồn cầu, bồn tắm, mặt bàn bếp, mặt bàn quầy, cột trang trí… Nếu bàn bếp hoặc lavabo được làm bằng đá tự nhiên thì người thợ cần khoét lỗ để lồng bồn rửa. Với công nghệ đúc nguội cho đá nhân tạo, chúng ta có thể tạo ra một khối liền mà không có khớp nối. Đây là ưu điểm đặc biệt vì sản phẩm có dáng vẻ thanh thoát, thẩm mỹ hơn.

Một chất liệu khác được sử dụng phổ biến hiện nay là kính trong. Chất liệu này được gia cường bằng phương pháp nung nóng chảy và làm nguội nhanh. Chúng thường được ứng dụng vào chân bàn, ngăn tủ, bồn rửa… Nếu kết hợp tốt, kính trong sẽ mang đến kết cấu sang trọng, giúp không gian căn phòng trở nên hiện đại hơn. Inox cũng được dùng làm các loại bồn, mặt bàn nhưng chúng chỉ có một màu duy nhất. Sản phẩm inox không mang đậm vẻ mỹ thuật, không tạo dáng tốt vì phải hàn, dập, gò. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chọn inox làm chất liệu chính vì ưu điểm của nó là nhẹ, sạch sẽ. Các chất liệu đều mang những đặc điểm riêng. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần bố trí, sắp xếp các thiết bị cho hợp lý nhằm tôn lên vẻ đẹp cho kết cấu tổng thể.

MINH TÚ tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm