Chống COVID-19: Nhân viên y tế không làm quá 12 giờ/ngày

Chiều 12-3, Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với thường trực các quận ủy, huyện ủy trên địa bàn TP.HCM.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã có báo cáo cụ thể về tình hình chống dịch COVID-19. Ông nói rằng Việt Nam hiện có 39 ca nhiễm bệnh, đang bước vào giai đoạn mới khó lường, có nguy cơ cao. Hiện nước ta đã miễn thị thực đối với công dân tám nước châu Âu từ 0 giờ ngày 12-3.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, ở TP.HCM, các ngành, các cấp đã thực hiện quyết liệt với tinh thần chống dịch như chống giặc.

Đến nay TP.HCM có bốn trường hợp mắc bệnh đều là những trường hợp xâm nhập từ bên ngoài, chưa ghi nhận trường hợp lây lan trong cộng đồng, có ba trường hợp được điều trị khỏi.

Để đạt được kết quả đó, HĐND, UBND, MTTQ TP cùng các tổ chức đoàn thể chính trị TP đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát cộng đồng về phòng chống, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện đa dạng, đồng bộ, liên tục giúp người dân nắm bắt và hiểu rõ hơn về nguy cơ nhiễm bệnh…

Công tác quản lý, giám sát, cách ly người từ vùng dịch về được triển khai quyết liệt, khoanh vùng dập dịch. Công tác điều trị được triển khai hiệu quả, nhân viên y tế có biện pháp phòng hộ cá nhân tốt, chưa phát hiện các ca nghi ngờ nào của nhân viên y tế.

Cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP.HCM. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 và các phương án TP sẽ triển khai trong thời gian tới. Ảnh: THANH TUYỀN 

Ông Liêm cho rằng khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống dịch là: hoạt động giao thương, đi lại nhiều giữa thành phố và các nước, giữa thành phố và các tỉnh thành dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch, đặc biệt là từ các quốc gia châu Á. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới đã nâng mức cảnh báo thành đại dịch quy mô toàn cầu.

Ông Liêm cho biết những ngày vừa qua, khi xuất hiện thông tin nước ta có ca nhiễm thứ 17 thì toàn bộ hệ thống phòng chống dịch của thành phố đã tích cực vào cuộc. Trong 24 giờ đã xác định được nững người trên chuyến bay đi cùng bệnh nhân số 17 đang vào thành phố và những người ngồi trên các ghế của bệnh nhân ở các chuyến bay sau để quản lý, cách ly, giám sát và chăm sóc sức khỏe theo quy định. Đồng thời tiến hành khử khuẩn đối với các cơ sở lưu trú đã tiếp nhận số hành khách này đã đến TP.HCM, thực hiện giám sát sức khỏe các nhân viên có tiếp xúc với các hành khách này.

Đến nay, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, các quốc gia trên thế giới Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước châu Âu hiện có số trường hợp nhiễm COVID-19 tăng rất cao, nhiều người đến hay đi qua các nước đề rồi về thành phố để hội thảo, hội nghị, du lịch sẽ là nguồn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Tại Việt Nam, việc xác minh các trường hợp tiếp xúc gần của các ca nhiễm mới rất phức tạp.  

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, triển khai thực hiện Chỉ thị 26 ngày 12-3 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

TP sẽ tăng cường truyền thông, vận động xã hội để mọi người tự đánh giá mức độ nguy cơ, tự ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân. Giải pháp quan trọng là giám sát tất cả các trường hợp vào TP đến từ vùng dịch. Chính quyền các ban ngành đoàn thể địa phương và cộng đồng dân cư tăng cường kiểm tra, phát hiện từ các quốc gia có số trường hợp nhiễm bệnh tăng cao như châu Âu, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các bệnh viện điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế, các trường hợp nhập viện điều trị thực hiện tốt từ khâu tiếp nhận, sàng lọc đến việc điều trị, thực hiện xét nghiệm tầm soát, tuyệt đối không để lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch.  

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các cấp phải dốc toàn lực cho công tác phòng, chống dịch. Phát huy hiệu quả phương châm 5 tại chỗ, hết sức chủ động, bình tĩnh tứng phó mọi tình huống. 24 quận, huyện phải chủ động thực hiện công tác phòng, chống theo Chỉ thị 26. Sở Y tế TP phải đảm bảo không để đội ngũ cán bộ y tế không bị nhiệm bệnh, phải đảm bảo sức khỏe cho bác sĩ, nhân viên y tế và không để họ làm việc quá 12 giờ/ngày...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm