Ông cho rằng không thể chịu nổi người vợ nữa, mâu thuẫn vợ chồng khiến ông cảm thấy ngột ngạt và mang bệnh trong người. Cũng vì thế, mỗi lần bà nói còn tình cảm, muốn được đoàn tụ chăm sóc chồng, ông lại vịn cây gậy ba toong run rẩy đứng lên rồi phẫn nộ:“Cô im đi, tôi ghê tởm cô…”.
40 năm trước, cặp vợ chồng già đang đứng trước tòa kia từng là một đôi trai tài gái sắc, quen và yêu nhau từ thời sinh viên. Chàng là trai Hà thành, dáng người cao lớn, khuôn mặt điển trai đã khiến biết bao cô gái thương thầm trộm nhớ. Ấy nhưng chàng lại chỉ chú ý tới cô nữ sinh khóa dưới với dáng người nhỏ nhắn, lúc nào cũng thấy vùi đầu vào đống giáo trình.
Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, cả hai quyết định gắn bó với nhau bằng một đám cưới với sự ủng hộ của hai bên gia đình và bạn bè. Cuộc sống viên mãn hơn khi hai người con đủ nếp đủ tẻ lần lượt ra đời. Bằng tài năng, ông trở thành tổng giám đốc một công ty dịch vụ lớn ở Hà Nội. Các con cái cũng dần trưởng thành và đỗ đạt. Điều kiện như thế, tưởng chừng ông bà có thể an hưởng tuổi già, ngày ngày quây quần bên con cháu. Thế nhưng có ai ngờ rằng đôi vợ chồng ấy lại có ngày tan vỡ.
Trước tòa, ông cho biết đã có ý định ly hôn từ nhiều năm nay nhưng chỉ vì con cái nên cố gắng nhẫn nhịn. Nhiều lần ông nộp đơn ly hôn rồi lại rút về, mong sẽ cải thiện được mối quan hệ giữa hai vợ chồng nhưng mâu thuẫn mỗi ngày một trầm trọng hơn. Đến nay, các con đều đã trưởng thành, tinh thần ông suy sụp khiến bệnh tật “không mời mà đến”. Vì vậy ông quyết tâm xin được tòa giải quyết cho ly hôn.
Tại phiên sơ thẩm, yêu cầu của ông đã bị TAND quận Hai Bà Trưng bác bỏ. Ông tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên cấp cao hơn.
Ngày TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm, mặc dù mang trong mình đủ thứ bệnh như thoát vị đĩa đệm, gút, huyết áp, tiểu đường…, đi lại rất khó khăn nhưng ông đến tòa từ rất sớm. Trả lời tòa về lý do nhất quyết xin ly hôn, ông kể sau khi cưới nhau, hai ông bà chỉ hạnh phúc được vài năm đầu. Càng ngày hai vợ chồng càng bất đồng quan điểm về cách sống, cách “đối nhân xử thế”. Ông còn nghi ngờ bà “cặp kè” bên ngoài nên tình cảm lại càng sứt mẻ hơn. Ông nín nhịn, nhiều lần khuyên giải nhưng bà vẫn bỏ ngoài tai. Đến nay hai người đã ly thân được 10 năm.
Ngược lại, bà một mực khẳng định hai vợ chồng không hề có mâu thuẫn lớn, không xảy ra xô xát hay to tiếng bao giờ. Mấy chục năm ông và bà đã “chung lưng đấu cật”, bảo ban nhau, cùng săn sóc, nuôi dạy con cái, không hề có chuyện bà ngoại tình. Khi ông bị tai biến phải điều trị, bà vẫn chăm sóc tận tình. Nhưng khi ra viện, ông không về nhà mà tới ở với chị gái, thành ra bà không có cơ hội cơm nước cho ông.
Nghe đến đây, vị chủ tọa hỏi ông: “Nhà cao cửa rộng sao không ở mà lại về ở nhà chị gái? Sao ông không để vợ chăm sóc?”. Ông run rẩy trả lời: “Tôi bị gút, thoát vị đĩa đệm, huyết áp, tiểu đường. Bà có biết tôi uống thuốc gì, mua ở đâu không? Thậm chí biết tôi bị bệnh tiểu đường nhưng bà ấy vẫn đưa kẹo cho tôi ăn. Sau khi bị tai biến, tôi không dám về nhà vì sợ bà ấy hãm hại”. Ông còn kể ngày ông nằm bệnh viện, không hiểu vì lý do gì mà bà đã lén cho ông uống loại thuốc không có trong đơn bác sĩ kê. Hơn thế, trong suốt thời gian ly thân, bà không có bất kỳ động thái thay đổi nào thể hiện sự quan tâm đến chồng. “Tôi không thể sống với một con người tham lam, ích kỷ, không dưới một lần hãm hại tôi” - ông quả quyết.
Nghe vậy, các thẩm phán trong HĐXX lần lượt phân tích, rằng hai ông bà vốn học cùng trường, quen và yêu nhau từ thuở sinh viên nên tình cảm sẽ rất sâu đậm, ông hãy nghĩ lại vì “trẻ thì yêu, già thì thương, hết tình thì còn nghĩa”. Dù hôn nhân có xảy ra mâu thuẫn nhưng bà vẫn mong muốn vợ chồng đoàn tụ, đây là nguyện vọng chính đáng. Việc gần nhau sẽ là cơ hội, điều kiện để cho hai bên cải thiện tình cảm, hàn gắn quan hệ, cùng chăm sóc sức khỏe cho nhau, nương tựa lúc tuổi già và giữ hạnh phúc gia đình cho con cháu.
Cuối cùng, cũng từ những lập luận nói trên, HĐXX quyết định giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên bác đơn ly hôn của ông.
Tòa tuyên dứt lời, ông lập tức khẳng định: “Dù tòa có bác đơn, 12 tháng sau tôi sẽ nộp lại, đến khi nào ly hôn được thì thôi!”.