Chống lãng phí, TP.HCM đã thu hồi 339 nhà đất

(PLO)- TP.HCM đã giải quyết một số dự án, công trình cụ thể để chống lãng phí. Đồng thời, thu hồi hơn 37 tỉ đồng và xử lý hành chính 61 tổ chức và cá nhân, xử lý thu hồi 339 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích 120 ha.

Chiều 31-12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nội chính đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dự hội nghị tại điểm cầu TP. Ảnh: THANH TUYỀN

Tại TP.HCM, quán triệt chủ trương của Tổng Bí thư về chống lãng phí, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành công văn để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, sâu rộng đến từng cơ quan, địa phương, cán bộ, đảng viên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

UBND TP đã ban hành kế hoạch, triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả và đã cơ bản phân loại thành 5 nhóm để giải quyết.

Cụ thể gồm nhóm các dự án đầu tư; nhóm các tài sản công; nhóm các tài sản, dự án đầu tư do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ; nhóm các dự án đã hoặc đang trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố xét xử; nhóm các khu đất lớn, vị trí đắc địa nhưng chưa được đưa vào khai thác sử dụng.

UBND TP cũng lập Tổ công tác giải quyết các dự án tồn đọng, đang dừng thi công để tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc; phân công Thường trực UBND TP phụ trách trực tiếp giải quyết một số dự án, công trình cụ thể như: dự án giảm ngập do triều cường; dự án Khu đô thị Bình Quới Thanh Đa; Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1…

Địa phương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương để xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đã đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro 1- Bến Thành – Suối Tiên). Đồng thời, phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, thu hồi hơn 37 tỉ đồng và xử lý hành chính 61 tổ chức và cá nhân, xử lý thu hồi 339 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích 120 ha.

Dù vậy, ngành nội chính TP.HCM cũng cho biết, qua kiểm kê, rà soát tăng cường việc quản lý, sử dụng nhà đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, TP đã nhận diện một số tồn tại, hạn chế.

Đó là công tác quản lý, quỹ nhà, đất còn thiếu chặt chẽ, tình trạng sử dụng nhà, đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích, nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Nợ đọng tiền cho thuê nhà, đất kéo dài; nhà, đất bị lấn chiếm, chiếm dụng chưa thu hồi; chưa kịp thời kê khai, xác lập sở hữu nhà nước (nhất là đối với đất dôi dư sau bồi thường, giải tỏa của các dự án); còn một số nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án xử lý theo quy định.

Có tình trạng tự ý liên doanh, liên kết với đơn vị khác mà chưa có chủ trương chấp thuận của UBND TP; công tác quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất và đồng bộ; công tác kiểm tra, tự phát hiện vụ việc lãng phí chưa được chú trọng quan tâm đúng mức.

TP.HCM cũng xác định rõ 3 nguyên nhân chính dẫn đến các tồn tại nêu trên. Người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm, chưa quyết liệt trong chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công, trong công tác xử lý cán bộ.

Quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chồng chéo, chưa thống nhất, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Vẫn còn tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, một số cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn thành phố còn đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị; Quy định số 199 của Ban Bí thư, trong đó tập trung rà soát, bổ sung công tác phòng, chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực TP.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện tổng rà soát công trình, dự án tồn đọng và tổ chức giải quyết, xử lý vướng mắc cho từng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng; thực hiện tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do Nhà nước đầu tư, quản lý.

soát, đối chiếu quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện tình trạng lãng phí tài sản để kịp thời khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về lãng phí, tập trung lĩnh vực đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản.

Rà soát, quy định nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; kết hợp với việc phát huy có hiệu quả cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.

Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Báo cáo về kết quả của toàn ngành nội chính đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Anh Dũng, cho biết năm 2024, ngành đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy sơ kết, tổng kết, ban hành mới và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, quy định quan trọng về nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động ngày càng nề nếp, hiệu quả, khẳng định vai trò là “trung tâm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp” trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương.

Ngành đã làm khá tốt việc tham mưu cấp ủy chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng ngành được quan tâm; thực hiện nghiêm việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đội ngũ cán bộ.

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng đã được thực hiện đạt nhiều kết quả trong lĩnh vực cải cách tư pháp.

Năm 2025, ngành sẽ cũng tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nhất là tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ và trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức sau sắp xếp, tinh gọn; đẩy mạnh cải cách hành chính…

Ban Nội chính Trung ương cũng phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới