TP.HCM vừa bước vào mùa mưa nhưng đã có hàng chục tuyến đường chính bị ngập sâu, giao thông tê liệt. Trong khi đó, tình trạng ngập úng trong các tuyến hẻm cũng khiến người dân âu sầu không kém.
Hẻm quanh năm ngập
Chiều 16-5, dù mưa không lớn nhưng đường TX 18, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM vẫn bị ngập mênh mông, người dân đi lại vô cùng khổ sở. Gọi là đường nhưng thật ra đây chỉ là con hẻm nhỏ nối giữa đường Tô Ngọc Vân với đường Hà Huy Giáp, dài chừng 500 m. Ngày thường hẻm này vẫn bị ngập. Khi có mưa nước lại dồn về, chẳng biết rút đi đâu.
Bà Hồ Thanh Lệ, nhà ở ngay khúc cua giữa con hẻm, cho biết tình trạng ngập úng đã diễn ra nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp khắc phục, người dân trong khu vực này vô cùng khốn khổ. “Nước ngập quanh năm suốt tháng. Bà con chúng tôi đã nhiều lần hùn tiền vào sửa hẻm, trải nhựa nhưng chỉ được một thời gian ngắn đường lại hư do bị ngập nước triền miên” - bà Lệ phản ánh. Bà Lệ và người dân ở đây cho rằng nguyên nhân ngập là do tuyến hẻm này có cống thoát nước nhưng do việc kết nối với cống ngoài đường lớn không tốt nên nước không thoát được.
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, đường TX 18 đã được UBND quận 12 đưa vào danh mục các dự án chống ngập hẻm, giai đoạn từ nay đến 2020. Đây cũng là một trong 37 tuyến hẻm trên địa bàn quận 12 bị ngập nặng, cần phải thực hiện chống ngập.
Cảnh ngập triền miên ở tuyến hẻm nối đường Tô Ngọc Vân với đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM. Ảnh: KB
Nhiều nơi ngập hẻm
Tình trạng ngập hẻm cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện khác như quận 12, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú… Những con hẻm ở khu vực này thường không có cống thoát nước hoặc cống nhỏ nên khi dân cư phát triển đông đúc, hướng thoát nước trong hẻm thường cũng bị tắc nghẽn theo.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, cho biết do địa phương có cốt nền thấp nên tình trạng ngập hẻm cũng xảy ra khá nhiều. “Theo chủ trương của quận và TP, UBND phường cũng đã rà soát các tuyến hẻm bị ngập để đề xuất thực hiện dự án chống ngập. Quan điểm của phường là cần ưu tiên thực hiện trước những tuyến hẻm bị ngập úng kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân” - ông Tú nói.
Phải ưu tiên thực hiện
Mới đây, trung tâm chống ngập TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP cho biết hiện trên địa bàn TP có hơn 1.430 tuyến hẻm cần thực hiện công trình chống ngập. Nguồn kinh phí dự kiến chống ngập hẻm hơn 3.630 tỉ đồng. Tuy nhiên, số liệu trên chỉ mới tổng hợp từ 21 quận, huyện.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, trung tâm chống ngập, cho biết đối với các dự án chống ngập hẻm, trung tâm kiến nghị nên giao UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư. Trung tâm sẽ góp ý về mặt chuyên ngành cũng như có ý kiến về mức độ ưu tiên cần thiết để có sự đồng bộ trong việc thực hiện các dự án chống ngập nói chung.
“Việc đầu tư công trình chống ngập hẻm phải phát huy hiệu quả đồng bộ với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM giai đoạn 1. Dự kiến công trình chống ngập triều này sẽ hoàn thành trước ngày 30-4-2018. Do đó, các dự án chống ngập hẻm cũng cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn này” - ông Long nói.
Quận Thủ Đức đề xuất chống ngập 368 con hẻm Theo báo cáo của trung tâm chống ngập, huyện Hóc Môn là địa phương đề xuất kinh phí chống ngập hẻm lớn nhất với số tiền hơn 1.636 tỉ đồng, ứng với 95 công trình nâng cấp hẻm. Quận Thủ Đức là địa phương đề xuất nhiều công trình chống ngập hẻm nhất với hơn 368 tuyến, tổng kinh phí dự kiến hơn 312 tỉ đồng. Các quận, huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, quận 12…, mỗi địa phương đều đề xuất từ hàng chục đến hàng trăm công trình chống ngập với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Ở khu vực nội thành, chỉ tính quận 3, quận 5 cũng có hàng chục tuyến hẻm cần chống ngập với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Riêng quận 1 không đề xuất dự án chống ngập hẻm. Quận Phú Nhuận đề xuất 44 công trình chống ngập hẻm nhưng chưa đề xuất kinh phí thực hiện. Ngân sách khó khăn Theo nguồn tin từ Sở Tài chính TP.HCM, hiện nay nguồn ngân sách của TP rất eo hẹp. Do đó với số lượng công trình chống ngập hẻm quá lớn, kinh phí lên đến hàng ngàn tỉ đồng, việc bố trí nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2018 là vô cùng khó khăn. |