Một dự án chống ngập ở TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu được lên kế hoạch khởi công trong quý III-2015 nhưng đến nay dự án có hàng ngàn tỉ đồng vẫn chưa xác định rõ phương án tài chính. Điều đáng nói, dự án này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân được phân tích tiềm ẩn nhiều rắc rối có thể xảy ra.
Muốn Nhà nước gánh nợ thay
Dự án chống ngập này đã được UBND TP.HCM giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) nghiên cứu, đề xuất. Sau đó, Trung Nam Group đã đề xuất sẽ vay tiền từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để thực hiện dự án trên với tổng kinh phí khoảng 10.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, BIDV ra điều kiện TP.HCM phải đứng ra bảo lãnh cho nhà đầu tư thì mới cho vay. Trước các đề xuất này, Sở Tài chính TP.HCM phân tích: “Với tổng mức đầu tư tạm tính khoảng 8.000 tỉ đồng (chưa tính kinh phí bồi thường giải tỏa) và thời gian xây dựng trong hai năm, nếu thực hiện theo đề nghị của BIDV, nghĩa là nhà đầu tư vay và ngân sách TP.HCM trả thì trung bình mỗi năm TP.HCM sẽ phải trả hơn 3.000 tỉ đồng. Việc này vượt quá khả năng cân đối ngân sách của TP.HCM”.
Chưa được giao thực hiện dự án chống ngập nhưng Trung Nam Group đã xin khu đất 20.000 m2 có vị trí khá đẹp ở quận 7. Ảnh: KB
Theo Sở Tài chính, việc BIDV yêu cầu TP.HCM bảo lãnh vay, đảm bảo trả nợ cho nhà đầu tư là không phù hợp với quy định. Mặt khác, nhà đầu tư (theo gợi ý của BIDV là Trung Nam Group) là doanh nghiệp cổ phần, có tư cách pháp nhân và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nên Nhà nước không thể bảo lãnh vay. Ngoài ra, nếu TP.HCM vay và trả nợ thay cho Trung Nam Group thì trong ba năm (từ năm 2018 đến 2020) bình quân mỗi năm ngân sách TP.HCM phải bố trí hơn 3.000 tỉ đồng (chưa tính tiền lãi) để trả cho BIDV. “Trong khi đó, hằng năm, sau khi đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên thì ngân sách của TP.HCM chỉ còn khoảng 8.000 tỉ đồng để bố trí vốn chi xây dựng các công trình (với nhu cầu lên đến 35.000 tỉ đồng) nên việc bố trí nguồn vốn lên đến 3.000 tỉ đồng chỉ để trả nợ cho dự án là không phù hợp” - một cán bộ Sở Tài chính phân tích thêm.
Lấy đất trước rồi chấp nhận rủi ro!?
Dù chưa chính thức là nhà đầu tư nhưng Trung Nam Gioup lại muốn lấy trước 20.000 m2 đất trên đường Đào Trí (thuộc phường Phú Thuận, quận 7) để xây nhà điều hành dự án. Cụ thể, trong tháng 5-2015, ít nhất hai lần Trung Nam Group đề nghị trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM làm việc với các đơn vị liên quan để sớm giao khu đất này cho công ty. “Công ty sẽ ứng vốn ra thực hiện việc giải phóng mặt bằng và sẽ chấp nhận mọi rủi ro trong trường hợp không được chọn làm nhà đầu tư” - Trung Nam Group cam kết.
Trao đổi với chúng tôi, một vị nguyên là lãnh đạo Sở TN&MT TP cho biết khu đất mà Trung Nam Group “xin” đang có một dự án đô thị do một đơn vị khác thực hiện. Cho nên nếu giao khu đất này cho Trung Nam Group sẽ phát sinh rất nhiều rắc rối. “Trung Nam Group chỉ mới là đơn vị được chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất dự án chứ chưa phải là nhà đầu tư. Dự án hiện cũng chưa xác định thực hiện theo hình thức nào nên chưa có cơ sở để giao đất cho Trung Nam Group. Khi nào xác định dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), TP.HCM thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thì lúc đó mới đề cập đến chuyện đất đai…” - vị này nói.
Tương tự, trong một báo cáo cho UBND TP.HCM mới đây, Sở Tài chính cho biết dự án này không áp dụng theo hình thức BT. Bởi nếu thực hiện theo hình thức BT nhưng không thanh toán bằng quỹ đất mà thanh toán bằng tiền như đề nghị của BIDV thì phải được Thủ tướng chấp thuận. Trong khi đó, hiện Trung Nam Group chỉ mới được UBND TP cho phép nghiên cứu để đề xuất thực hiện dự án và TP.HCM muốn chỉ định Trung Nam Group làm nhà đầu tư thì phải được Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Ngoài ra, Trung Nam Group cũng phải chứng minh năng lực tài chính.
Ngân hàng “chỉ định” nhà đầu tư Trung Nam Group đề xuất hai phương án thực hiện dự án chống ngập. Phương án được Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM chọn là xây dựng năm đoạn đê kè ở những vị trí xung yếu từ sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp) đến sông Mương Chuối (huyện Nhà Bè) với tổng chiều dài khoảng 6,9 km. Bên dưới đê kè xây 68 cống nhỏ. Ngoài ra, dự án còn xây dựng sáu cống kiểm soát triều lớn ở cửa Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Phú Định. Tổng mức đầu tư tạm tính hơn 9.500 tỉ đồng. Trong khi đó, phía BIDV đề xuất chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT và hoàn trả bằng tiền chứ không phải quỹ đất. |