Ngày 11-5, Công ty cổ phần PAVNC (gọi tắt là PAVNC) đã cung cấp các hồ sơ khẳng định việc ốp kính màu vàng không hề làm sai phương án kiến trúc được duyệt như kết luận của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng.
PAVNC là chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower tại lô A2.2 đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Đây là một trong hai tòa cao ốc tại Đà Nẵng bị người dân phản ứng vì ốp kính vàng gây chói mắt.
Tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower. Ảnh: TẤN VIỆT
Cụ thể, giấy phép xây dựng số 2002 do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp cho PAVNC ngày 26-9-2017 không thể hiện nội dung liên quan màu sắc kính ốp mặt ngoài công trình.
Hồ sơ thiết kế được Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thẩm định trước đó (ngày 28-7-2017) cũng chỉ ghi chú về vật liệu hoàn thiện mặt đứng, như sau: “Vách kính mặt tiền: Sử dụng kính cường lực dày 15 mm, màu theo chủ đầu tư. Lan can kính mặt tiền: Kính cường lực dày 15 mm, màu sắc theo chủ đầu tư…”.
Ngoài ra, ngày 19-3 vừa qua, PAVNC đã gửi công văn cho Trung tâm Kết cấu thép và Xây dựng (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) về việc: Đánh giá các thông số kỹ thuật của vật liệu kính, chỉ số phản quang, màu sắc của kính và sự ảnh hưởng đến công trình lân cận cho công trình tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower.
Tại công văn trả lời, Trung tâm Kết cấu thép và Xây dựng cho hay hiện tại ở Việt Nam chưa có văn bản pháp lý quy định độ phản quang ngoài VLR-out. Nhưng ở một số nước láng giềng như: Singapore, Hong Kong thì độ phản quang này không được vượt quá 20%.
“Loại kính quý công ty sử dụng theo thông số kỹ thuật của nhà cung cấp có hệ số phản xạ ngoài VLR-out là 19% (sai số 3% - PV). Còn theo kết quả thí nghiệm của Trung tâm Kết cấu thép và Xây dựng thì loại kính này có độ phản xạ ngoài VLR-out là 19,52%. Nên loại kính có thể được chấp nhận để sử dụng lắp đặt bao che công trình, không ảnh hưởng đến công trình lân cận” - phúc đáp của Trung tâm Kết cấu thép và Xây dựng nêu.
Mặt kính vàng của tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower phản quang gây chói mắt. Ảnh: TẤN VIỆT
Trước phản hồi của PAVNC, chiều 11-5, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng, khẳng định: Kính màu xanh nằm trong phương án thỏa thuận giữa Sở Xây dựng với PAVNC.
Ông Tuấn lý giải, hồ sơ của PAVNC gửi lên Sở Xây dựng có kèm theo các hình ảnh phối cảnh, thể hiện rõ mặt ngoài tòa nhà là màu xanh. Vì là màu xanh nên Hội đồng kiến trúc quy hoạch của TP mới thống nhất.
“Hồi xưa mà chiếu hình phối cảnh lên màu vàng thì TP đã không chấp nhận. Các cuộc họp quy hoạch kiến trúc thường có cả bí thư và chủ tịch TP trực tiếp nghe, sau đó mới thống nhất và về triển khai các bước tiếp theo” - ông Tuấn nói.
Về câu “màu sắc theo chủ đầu tư” trong văn bản thẩm định, ông Tuấn cho hay việc thẩm định được thực hiện để cấp giấy phép xây dựng. Bước này thực hiện sau khi hai bên đã thỏa thuận phương án kiến trúc như trên.
“Hội đồng kiến trúc quy hoạch rất quan tâm đến các kiến trúc bên ngoài, trong đó màu sắc là cực kỳ quan trọng. Tòa nhà của Ngân hàng SHB (cũng ốp kính vàng gây chói mắt - PV), cũng trình phối cảnh màu xanh như vậy nên mới được duyệt” - ông Tuấn nói.
Trước đó, vào ngày 8-5, Sở Xây dựng Đà Nẵng ra thông cáo báo chí cho hay công trình nói trên được chấp thuận phương án kiến trúc vào ngày 15-12-2016. Theo đó, màu sắc kính lắp đặt bề mặt ngoài của công trình là màu xanh.