Huy động vốn rồi bỏ đất trống
UBND TP.HCM đã quyết định tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 cho đến khi giải quyết xong các tồn tại của các dự án cũ. Hiện tại, hàng loạt dự án của Công ty 584 đều bị chậm tiến độ giao nhà, xây dựng sai phép khiến khách hàng khiếu kiện kéo dài.
Năm 2008, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án chung cư 584 Tân Kiên Bình Chánh của Công ty 584, thời hạn giao nhà vào quý 3 – 2010. Đến nay, nhiều khách hàng đã thanh toán 90% giá trị căn hộ nhưng công trình vẫn chưa xong.
Không thấy chủ đầu tư giao nhà, khách hàng đến Công ty 584 hỏi thì được biết, chủ đầu tư trả lời đang xin chuyển mục đích chung cư này thành… bệnh viện. Nhiều khách hàng khởi kiện Công ty 584 ra tòa. Từ Tòa sơ thẩm đến phúc thẩm đều xử khách hàng thắng kiện nhưng Công ty 584 vẫn không trả tiền.
Một dự án khác của Công ty 584 là khu dân cư 584 Lilama SHB Plaza trên đường Nguyễn Văn Dung, quận Gò Vấp cũng bị hàng trăm khách hàng phản chậm giao nhà. Theo hợp đồng, chủ đầu tư phải giao nhà cuối năm 2012 nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.
Tương tự, Công ty 584 đã thu tiền của khách hàng tại dự án 584 Lilama SHB trên đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú nhưng đến nay dự án vẫn nằm im lìm, dù thời hạn giao nhà đã trễ 5 năm. Dự án đã xây xong phần thô nhưng cửa đóng bốn bề, không một bóng người. Công trình đã xây xong phần thô nhưng lâu ngày không triển khai nên bắt đầu xuống cấp.
Dự án 584 Lilama trên đường Trịnh Đình trọng đã trễ hạn giao nhà 5 năm.
Một dự án khác do Công ty 584 làm chủ đầu tư là chung cư 584 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, người dân may mắn được bàn giao nhà và vào ở nhiều năm. Tuy nhiên, dự án vừa bị cơ quan chức năng tháo dỡ nhiều hạng mục do xây dựng không phép. Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ hơn 3.000m2 công trình vi phạm xây dựng trong chung cư.
Cụ thể, Công ty 584 đã xây dựng không phép tòa nhà 2 tầng tại mặt bằng của lô đất xây chung cư, penthouse, căng tin, phòng bida, nhà thể dục thể thao... ở sân thượng với tổng diện tích không phép hơn 1.450m2. Chủ đầu tư đã phân chia, chuyển mục đích sử dụng mặt bằng tầng trệt và tầng hầm gần 1.600m2 để làm văn phòng công ty, quán cà phê, nhà hàng...
Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Vạn Hưng Phát đang bị hàng chục cư dân ở dự án căn hộ cao cấp Vạn Hưng Phát tại số 339 Bông Sao, phường 5, quận 8 kiện ra Tòa vì chậm bàn giao dự án, huy động vốn trái phép của 97 hộ dân khi chưa làm xong phần móng. Dự án chỉ là bãi đất trống hoang tàng, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
UBND TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Vạn Hưng Phát 70 triệu đồng. Khi người mua nhà tìm đến địa chỉ trong hợp đồng ở số 112 – 114, Tùng Thiện Vương, P.13, Q.8 thì công ty đã chuyển qua địa điểm khác.
Phải truy lịch sử chủ đầu tư
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc một công ty bất động sản cho rằng, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa nhằm làm trong sạch thị trường bất động sản và đảm bảo quyền của người mua nhà.
“Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu kém nhưng đầu tư dàn trải. Làm dự án nhưng tiền chủ yếu từ đi vay ngân hàng và huy động của khách hàng. Khi thị trường lao dốc, có sự biến động về lãi suất ngân hàng sẽ hết tiền triển khai dự án”, vị giám đốc này nói.
Để giảm rủi ro cho khách hàng khi mua nhà hình thành trong tương lại, vị giám đốc này khuyên người mua nhà nên chọn công ty có tên tuổi, xem lịch sử bàn giao căn hộ, tìm hiểu họ đang làm những dự án nào và những công trình này có đang thi công hay không.
Đã thu tiền của 97 khách hàng nhưng dự án của Vạn Hưng Phát chỉ là bãi đất trống
“Thật ra, doanh nào cũng muốn làm ăn đang hoàng. Thế nhưng khi thị trường bất động sản có vấn đề, lãi suất ngân hàng biến động thì họ lâm vào bế tắc. Doanh nghiệp yếu về vốn, quản trị nên “chết lâm sàng” khiến người mua nhà cũng điêu đứng theo”, vị giám đốc này cho biết thêm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – HoREA cho biết: “Chúng tôi cũng rất lo lắng trước tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư dàn trải, nhiều doanh nghiệp mượn đầu heo nấu cháo. Trước đây, luật không chặt chẽ nhưng bây giờ, dự án phải có bảo lãnh ngân hàng nên cũng hạn chế được phần nào”.
Ông Châu cho biết thêm, thị trường sẽ sàng lọc các doanh nghiệp làm ăn chụp giựt. HoREA đã nhiều lần kiến nghị nên đơn giản hóa thủ tục chuyển nhượng dự án để cứu các dự án bị trùm mền, quyền lợi người mua nhà cũng được giải quyết.
Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, khi mua phải dự án trễ hạn bàn giao nhà thì khách hàng nên kiện ra Tòa để bảo đảm quyền lợi của mình khi công ty bị phá sản.
“Nếu không khởi kiện, doanh nghiệp bị phá sản sẽ ưu tiên thanh toán các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, quyền lợi người lao động, nợ ngân hàng rồi mới đến người mua nhà”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết, thời gian qua Sở đã rà soát các dự án chậm triển khai để tham mưu, trình UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư, giao đất… hàng trăm dự án với tổng diện tích lên đến 6.000ha.
“Các chủ đầu tư có lịch sử chậm bàn giao nhà, thu tiền của khách hàng rồi không triển khai dự án như Công ty 584, Vạn Hưng Phát đã bị UBND TP.HCM yêu cầu rà soát, không giao đất để phát triển dự án mới”, ông Thắng nói.