Bắt đầu từ hôm nay (21-6), 14 doanh nghiệp tham gia bình ổn năm 2010 sẽ thực hiện giảm giá tám nhóm mặt hàng thiết yếu, thấp hơn thị trường 10%.
Liên kết với nhiều địa phương
Theo các doanh nghiệp, nguồn hàng cung ứng cho thị trường đã sẵn sàng, rất dồi dào, phong phú. Ngay cả khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, nguồn hàng bình ổn giá cũng đủ sức cung ứng và chi phối thị trường.
Ngay từ tháng 3, Saigon Co.op, đơn vị được giao bình ổn nhiều nhóm hàng nhất, đã ráo riết chuẩn bị nguồn hàng, đầu tư từ khâu trồng trọt đến hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo bao tiêu hàng cho nông dân tại các tỉnh.
Saigon Co.op liên kết với các nhà sản xuất tại các địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp để đặt hàng và ứng vốn cho các hợp tác xã sản xuất nhằm cung ứng nguồn rau củ quả an toàn với mức giá ổn định đến sau tết năm tới. Đơn vị này còn ký kết hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn và có những mặt hàng nông sản chất lượng như Lâm Đồng, Tiền Giang, An Giang. Riêng tại TP.HCM, Saigon Co.op ký hợp đồng trực tiếp với một số hợp tác xã cung ứng rau an toàn như Tân Phú Trung (Củ Chi), Phước An (Bình Chánh). Ngoài ra, Saigon Co.op đã đặt các nhãn hàng riêng thương hiệu “Saigon Co.op” với giá rẻ hơn 5%-30%.
Kiểm tra quy trình làm sạch trứng tại Công ty Ba Huân. Ảnh: THANH HẢI
Là doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia chương trình nhưng Vinatex cũng khá chủ động trong khâu chuẩn bị nguồn hàng. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex, cho biết: “Với 56 siêu thị có mặt tại 24 tỉnh, thành, từ lâu chúng tôi đã hợp tác với các địa phương có nhà cung cấp các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả. Do đó, giá cả, chất lượng và nguồn hàng luôn ổn định trong hệ thống Vinatex ngay cả khi có biến động. Mặc dù thành phố giao cho tham gia bình ổn năm nhóm mặt hàng nhưng Vinatex sẽ cố gắng thực hiện bình ổn cả tám nhóm mặt hàng”.
Sẵn sàng tung hàng… kềm giá
Công ty Ba Huân, đơn vị được giao bình ổn trứng gia cầm, cho biết vừa thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học. Theo bà Phạm Thị Huân, nhờ nguồn vốn vay của thành phố, Ba Huân đã liên kết với các đối tác ở Bình Định để phát triển con giống, rút ngắn thời gian vịt đẻ trứng trong 30 ngày thay vì 60-70 ngày. Công ty cũng đẩy mạnh đầu tư vào các dự án tại trang trại chăn nuôi liên kết, số lượng lên đến hàng trăm ngàn con, tạo nguồn hàng ổn định.
“Hiện nay Ba Huân đã liên kết với 45 trang trại chăn nuôi gà, vịt tại khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây. Chúng tôi không chỉ cung cấp con giống, thức ăn mà còn luôn sát cánh hỗ trợ nông dân và các trang trại, thu mua cả khi giá trứng giảm mạnh để họ đảm bảo rằng sẽ chỉ cung cấp hàng cho mình trong mọi tình huống, ngay cả khi có biến động giá, hoặc mất mùa, khô hạn. Đó cũng là cách nắm giá, bình ổn trong mọi hoàn cảnh” - bà Huân cho biết.
Ông Huỳnh Công Thành, Công ty Lương thực thành phố, đơn vị tham gia bình ổn ba mặt hàng gạo, đường và dầu ăn, cho biết để đảm bảo luôn có trên 20.000 tấn gạo trong kho, ngay từ đầu vụ, Foocosa đã ký hợp đồng với tỉnh Tiền Giang và An Giang, là những vựa gạo của đồng bằng sông Cửu Long. Mặt hàng đường cũng có những khó khăn riêng do giá cao, phụ thuộc giá nhập khẩu, lại phải đăng ký giá bình ổn. Tuy nhiên, để đảm bảo luôn có sẵn 200 tấn đường đủ cung cấp cho 44 cửa hàng bán lẻ, công ty phải ký hợp đồng với Nhà máy đường Biên Hòa, Nhà máy đường Sóc Trăng, mời gọi họ cùng chia sẻ và tham gia chương trình.
Doanh nghiệp liên kết với nhau Không chỉ liên kết với các nhà cung cấp tại các địa phương, các doanh nghiệp còn biết liên kết với nhau để có chung mức giá bình ổn trên toàn hệ thống bán lẻ của đơn vị mình. Năm nay, 14 doanh nghiệp đã biết phối hợp với nhau trong việc đưa ra giá chung của sản phẩm trên hệ thống bán lẻ của từng doanh nghiệp. Tại trên 70 cửa hàng bán lẻ của Vissan, toàn bộ mặt hàng như trứng Ba Huân, gạo, đường, dầu ăn của Công ty Lương thực thành phố… đều có chung mức giá. Ngược lại, các mặt hàng thực phẩm của Vissan trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng được bán cùng mức giá. Nguồn hàng là quan trọng nhất Để thực hiện tốt nhất việc bình ổn giá phải đảm bảo cả hai yếu tố: Chuẩn bị nguồn hàng tốt và thiết lập kênh phân phối rộng khắp, đảm bảo hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Là đơn vị tham gia chương trình bình ổn từ năm đầu tiên, kinh nghiệm từ chương trình bình ổn bảy năm qua cho thấy chuẩn bị nguồn hàng là điều quan trọng nhất trong việc thực hiện bình ổn giá. Đó là gốc rễ của việc đảm bảo quy luật cung-cầu, khi cung đáp ứng được cầu thì giá cả chắc chắn sẽ bình ổn. Bà NGUYỄN THỊ HẠNH, Tổng Giám đốc Saigon Co.op |
THANH HẢI