Ngày 1-3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH)… Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-4.
Nghị định mới đã đưa ra mức xử phạt 10-15 triệu đồng với người sử dụng lao động không chi trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Chỉ còn không đầy một tháng nữa, quy định trên có hiệu lực nhưng nhiều người trong cuộc cũng chưa nắm rõ hết về quy định này.
Người giúp việc không dám đòi hỏi
Khi được hỏi về quy định trên, bà Huỳnh Thị Bé (quê Long An), đang giúp việc nhà cho một gia đình tại quận 1, TP.HCM, tỏ ra khá ngạc nhiên.
“Tôi chỉ quan tâm đến tiền lương thôi à, còn các khoản bảo hiểm gì đó tôi không rành. Lâu nay tôi không mua bảo hiểm. Mình đòi hỏi nhiều quá, chủ nhà không thích là mất việc” - bà Bé nói.
Chị Trần Thị My (quê Quảng Ngãi) cho rằng nếu có quy định này thì quá tốt cho những người giúp việc nhà như chị, có bệnh tật cũng đỡ lo phần nào. Nhưng chị chưa vui vội với quy định này.
“Tìm được chỗ làm lương tốt, chủ nhà tốt đã khó rồi, tôi cũng không dám đòi hỏi thêm, chủ nhà có cho thì cho. Còn nếu chủ nhà mua mà trừ vào tiền lương thì cũng như không, lương giúp việc nhà có nhiêu đâu. Mình mà đòi hỏi thì lỡ không thuê nữa, tiền đâu đóng các khoản đó” - chị My lo lắng.
Theo chị Minh Tuyền (quận Tân Bình, TP.HCM), nhà chị có thuê người giúp việc nhà và có biết quy định này. Chị Tuyền sẽ cân nhắc lại mức tiền lương để chừa ra một phần đóng bảo hiểm cho người giúp việc. Tuy nhiên, chị Tuyền lo là đã trả tiền bảo hiểm mà người giúp việc không đóng thì làm sao, chị có bị phạt không.
Từ ngày 15-4, chủ nhà phải trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh: HTD
Cần hợp đồng rõ ràng giữa hai bên
Luật gia Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định 27/2014 đều đặt ra quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả cho người lao động giúp việc gia đình một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, do quy định chưa có cơ chế xử phạt trong các trường hợp người sử dụng lao động vi phạm nên việc áp dụng vào thực tiễn chưa cao.
Nay Nghị định 28/2020 đặt ra mức xử phạt, đây là biện pháp đảm bảo quy định trên được thực thi.
Nghị định này nêu rõ người sử dụng có trách nhiệm chi trả các khoản bảo hiểm, còn người lao động tự lựa cho mình các hình thức tham gia bảo hiểm.
Riêng phương pháp chi trả, hai bên tự thỏa thuận trong hợp đồng lao động về khoản tiền lương và khoản tiền người lao động được trả thêm để tham gia bảo hiểm.
Như vậy, chủ nhà không cần băn khoăn về việc phải chịu phạt oan khi đã chi trả tiền mà người giúp việc không tham gia các khoản bảo hiểm. Đồng thời, người giúp việc cũng không cần lo lắng khi chủ nhà chi trả các khoản bảo hiểm thì phần tiền lương sẽ bị giảm xuống.
Pháp luật hiện hành quy định mức trả lương cho người lao động không được dưới mức lương tối thiểu vùng. Hiện nay ở TP.HCM mức lương tối thiểu vùng là 4.420.000 đồng.
“Khi các thỏa thuận về tiền lương, tiền chi trả bảo hiểm được ghi nhận rõ ràng trong hợp đồng lao động, quyền lợi của các bên sẽ được bảo đảm” - ông Triều nhận định.
Đối với người giúp việc nhà làm theo giờ, bán thời gian cũng được hưởng các quyền lợi tương tự về BHXH, BHYT như người giúp việc nhà trọn thời gian.
Ông Triều cũng cho biết khi ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người giúp việc, chủ nhà phải thông báo cho UBND phường, xã. Như vậy, trách nhiệm chính quản lý quan hệ lao động giữa chủ nhà và người giúp việc là UBND phường, xã.
Tuy nhiên, với mức phạt 10-15 triệu đồng thì thẩm quyền xử phạt được giao cho UBND quận, huyện. Do đó, trong thời gian tới cần có cơ chế phối hợp giữa hai cấp để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong quan hệ lao động giúp việc gia đình.
Được khám chữa bệnh toàn quốc Đại diện BHXH TP.HCM cho biết hiện có hai hình thức tham gia BHXH là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó, người giúp việc gia đình không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vì thế, đối tượng này có thể tham gia BHXH tự nguyện. Đối với BHYT tự nguyện, người giúp việc nhà tham gia BHYT theo hộ gia đình. Mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở: 1.490.000 đồng x 4,5% = 67.050 đồng/tháng. Hiện nay, theo quy định thì BHYT đã thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại tuyến quận, huyện trên toàn quốc. Do đó, người giúp việc nhà khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu quận, huyện ở tỉnh khác thì cũng có thể đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện tại TP.HCM. Đối với BHXH tự nguyện, mức đóng bằng 22% mức thu nhập/tháng do người tham gia lựa chọn. Như vậy, người giúp việc nhà khi tham gia BHXH tự nguyện tùy theo khả năng tài chính có thể lựa chọn mức đóng BHXH. VÕ HÀ |