Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4 tới.
Theo đó, người sử dụng lao động không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định để người lao động tự lo bảo hiểm bị phạt từ 10-15 triệu đồng.
Hành vi sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm bị phạt từ 10-15 triệu đồng.
Hành vi sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ bị phạt từ 50-75 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Hành vi yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.
Hành vi trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó bị phạt từ 2-5 triệu đồng.
Người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt 50-75 triệu đồng.
Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật bị phạt từ 1-20 triệu đồng.
Người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động bị phạt từ 5-50 triệu đồng.
Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật bị phạt từ 5-50 triệu đồng.
Người sử dụng lao động có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định bị phạt từ 20-75 triệu đồng.
Người sử dụng lao động không trả thêm khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hàng năm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia các bảo hiểm trên bị phạt từ 3-20 triệu đồng.
Người sử dụng lao động thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật, huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động bị phạt từ 20-25 triệu đồng.
Người sử dụng lao động xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt từ 10-15 triệu đồng.
Người sử dụng lao động dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động bị phạt từ 10-15 triệu đồng.