Chủ nhà SEA Games 33 Thái Lan “chỉnh theo toan tính”, các nước phản ứng ngay

(PLO)- Chủ nhà SEA Games 33 Thái Lan có những toan tính thiếu tinh thần cao thượng và đẩy VĐV vào nguy cơ chấn thương cao.

Chủ nhà SEA Games 33, Thái Lan thay đổi quyết liệt ở các nội dung thi đấu môn Wushu khiến các quốc gia lên tiếng. Việc toan tính để “triệt” các nội dung thế mạnh của nước khác và “đẩy” các nội dung mạnh của mình lên luôn là "chiêu trò" của chủ nhà đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) nhằm toan tính thu hoạch huy chương.

Chủ nhà SEA Games 33, Thái Lan sẽ sáp nhập ba nội dung đối kháng của Wushu (tán thủ) thành một nội dung. Theo đó nội dung tay không và các loại vũ khí (gậy và kiếm) sẽ sáp nhập thành 1 nội dung theo tính điểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, Thái Lan phá vỡ truyền thống của môn võ có nguồn gốc từ Trung Quốc và làm theo cách của mình.

Giới VĐV thì phản ứng theo kiểu phải tăng cường độ tập luyện để thích nghi với Wushu thi đấu tại SEA Games 33. Ảnh:CTP

Ở nội dung tán thủ nam, các nội dung tán thủ độc lập trước đây gồm nam quyền, nam đao, gậy, trường quyền và một số nội dung có binh khí khác cũng sáp nhập lại. Tương tự là ở nữ cũng sáp nhập như của các nội dung của nam.

Việc sáp nhập này nó triệt tiêu một số nội dung mạnh thi đấu độc lập như truyền thống môn Wushu của Trung Quốc, và nó làm cho những VĐV khác yếu nội dung này nhưng mạnh nội dung có khác cơ hội tranh huy chương và thậm chí HCV. Điều này phụ thuộc rất lớn vào cách sáp nhập các nội dung mà những “nhà chiến lược” của chủ nhà nghĩ ra.

Có điều những chuyện toan tính triệt tiêu các nội dung mạnh của đối thủ, đó là câu chuyện tế nhị, các nước Đông Nam Á không phản ứng theo cách này mà họ chỉ kết luận rằng, nó vắt kiệt sức VĐV, dẫn đến rủi ro chấn thương rất cao.

Vì khi ba nội dung sáp nhập lại thành một nội dung thì mỗi VĐV thi đấu ít nhất ba ngày liên tiếp không có thời gian hồi phục dẫn đến kiệt sức và nguy cơ chấn thương cực cao. Wushu là môn cực nặng, các nội dung đối kháng rất căng thẳng.

Chủ tịch LĐ Wushu Malaysia, Tiến sĩ Chong Kim Fatt khẳng định: “Tôi sẽ mang những thực tế này tranh luận với ban tổ chức chủ nhà SEA Games 33 Thái Lan tại cuộc họp Hội đồng Thể thao Đông Nam Á. Đây là một sự thiếu cân nhắc về vấn đề an toàn cho VĐV”.

Trong khi đó nhà vô địch thế giới Wong Weng Son của Malaysia ở nội dung kiếm thuật giải Wushu World Cup hồi tháng trước tại Nhật Bản nói: “Điều quan trọng là các VĐV phải nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi này trong tập luyện và thi đấu vì lịch đấu sẽ nghiệt ngã hơn, một VĐV phải đấu liên tiếp ba ngày khi tán thủ sáp nhập ba nội dung thành một".

Ba nội dung tán thủ sẽ sáp nhập thành một nội dung huy chương, nghĩa là VĐV phải thi đấu từng vòng đấu bằng ba ngày liên tiếp nguy cơ kiệt sức và chấn thương rất cao. Ảnh: CTP

Đại hội thể thao Đông Nam Á, cụ thể là SEA Games, các quốc gia chủ nhà toan tính rất chi ly dẫn đến thiếu tinh thần cao thượng. Tuy nhiên nó cũng dần quen đi vì hầu như quốc gia nào cũng thế khi làm chủ nhà.

Thậm chí ở các môn, hạng cân, khi “ban chiến lược” biết rõ các đối thủ mạnh ở nội dung nào thì họ đổi các hạng cân để loại đối thủ, hoặc đẩy đối thủ vào gặp các đối thủ khủng khác để loại nhau. Nước nào làm chủ nhà hầu như cũng toan tính cách này, có điều ít hay nhiều mà thôi.

Tuy nhiên lần này chủ nhà SEA Games 33 Thái Lan đã ba kỳ liên tiếp gần đây nhất mất ngôi toàn đoàn vào tay Philippines, Việt Nam thì Thái Lan đã bắt đầu toan tính trở lại khi họ làm chủ nhà SEA Games 33, năm 2025.

SEA Games 33 diễn ra vào cuối năm 2025 tại ba địa điểm chính là Chonburi, Bangkok và Songkhla.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới