Phụ nữ ở các lĩnh vực đã “hiến kế” cho lãnh đạo TP.HCM về việc ứng dụng công nghệ để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và tham gia giao thông công cộng.
Những ý kiến đó đã được bày tỏ trong dịp lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với đại diện phụ nữ đang làm việc tại nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo nhiều sở, ban ngành đều có mặt tại buổi đối thoại. Cuộc gặp gỡ do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.HCM tổ chức ngày 17-10.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP, đề nghị các đại biểu nữ góp ý về nội dung làm thế nào để xây dựng TP.HCM thành một TP an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. TP an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái cũng là tên của chương trình mà tổ chức quốc tế chống nghèo đói và bất công phối hợp với nhiều nơi để thực hiện, trong đó có TPHCM.
Làm sao để xe buýt an toàn, không có sàm sỡ và trộm cắp là vấn đề nóng đầu tiên được bàn tới.
Đi xe buýt, lãnh đạo cũng bị “mắng”.
Chị Nguyễn Ngọc Long, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2 (phường 7, quận 3), bày tỏ: “Tôi cũng rất thích sử dụng xe buýt nhưng tôi thấy vầy: Nhà chờ xe buýt buổi tối không có đèn, phải nhờ vào đèn đường. Trên xe buýt thì dễ bị móc túi, bị sàm sỡ. Tôi ủng hộ đi xe buýt nhưng lòng vẫn lo lắng”.
Ngoài ra xe buýt mỗi khi dừng trả khách thường quá nhanh, gây nguy hiểm cho hành khách. Nhà chờ xe không có vạch an toàn để đón trả khách. Tại nhà chờ cũng chưa có ứng dụng bảng điện tử thông báo xe nào sắp đến, thuộc tuyến nào.
Chị Long nói: “Mỗi khi xe buýt trờ tới là chúng tôi lại chồm ra xem phải tuyến của mình không? Như vậy không an toàn”. Chị đề nghị xe buýt phải có camera có kết nối với công an phường, trên xe nên thường xuyên phát các đoạn nhạc và lời nhắc nhở, cảnh báo các hành vi xấu.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cũng chia sẻ về kinh nghiệm đi xe buýt: “Tôi đã đi thử xe buýt. Đúng là xe trả khách ở trạm quá nhanh. Tôi nhắc là tới trạm cho tôi xuống thì bị nói vầy: “Bà lo đứng dậy đi chứ nói hoài”. Tôi đề nghị xe có thông báo khi sắp tới trạm để hành khách có sự chuẩn bị, nhất là với trẻ em và người lớn tuổi”.
Ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, giải trình: Trong thời gian qua trung tâm đã thay mới 50% trong số 3.000 xe buýt của TP. Nhiều xe đã lắp camera trên xe buýt, bộ phận theo dõi điều hành trực tuyến theo dõi từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Bộ phận điều hành đã kết nối với công an khi phát hiện ra những trường hợp móc túi. Việc tăng chuyến phục vụ học sinh, sinh viên đã tốt hơn trước rất nhiều.
Ông Ân nói: “Tuy nhiên, không thể nào tránh được hết các sai sót. Có vấn đề gì người dân phản ánh kịp thời cho chúng tôi tại điện thoại đường dây nóng”.
Ông Hà Lê Ân giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu nữ về xe buýt.
Trường học chưa an toàn
Chị Nguyễn Thị Đào, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc quận Bình Thạnh, bày tỏ lo lắng: “Mới khai giảng một thời gian mà đã có học sinh cấp III tự tử. Trên địa bàn quận Bình Thạnh có hai em đều là hai học sinh rất ngoan. Tôi đề nghị giáo viên phải xem lại chương trình có quá tải hay không, khi trách phạt các em có nặng nề quá hay không?”.
Bà cũng đề nghị TP chỉ đạo các trường học phải quan tâm đến diễn biến tâm lý của học sinh, chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường cho các em. Theo bà, không nên dành toàn bộ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất mà phải chú trọng việc giúp các em rèn luyện thể chất và kỹ năng sống.
Chị Nguyễn Thị Toàn, phụ huynh HS, sống ở quận Gò Vấp, bày tỏ lo lắng trước vấn nạn bạo lực học đường vì nó ngày càng phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Chị nói: “Những nhóm bắt nạt luôn chơi thành một nhóm, cô lập, đe dọa nhiều em khác. Tôi xem trên mạng thấy nhiều clip đăng lên thấy đáng sợ quá. Tôi cũng đề nghị giảm tải chương trình chính quy, tăng cường dạy kỹ năng sống và dạy võ tự vệ cho các em”.
Phản hồi sự lo lắng của các bậc phụ huynh, cô Lương Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giồng Ông Tố, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trường học không bạo lực. Cô Liễu nói: “Học sinh dễ nảy sinh bạo lực do các em không có sân chơi lành mạnh. Chúng tôi đã vận động xã hội hóa làm mái che cho các em chơi thoải mái. Trường có ba vườn rau cho các em có sân chơi vừa học vừa hành. Các em đề nghị làm vườn hoa, sắp tới chúng tôi sẽ làm vườn hoa nữa. Chúng ta phải lắng nghe, hướng dẫn các em. Tôi cho rằng học sinh tiểu học chủ yếu là học đạo đức chứ không phải học kiến thức”.
Tuy vậy, cô Liễu cũng chia sẻ sự trăn trở với phụ huynh: Trường không đánh học sinh nhưng phụ huynh ở nhà vẫn đánh học sinh. Mỗi sáng thứ Hai chào cờ, cô thường hỏi các em có bị cha mẹ đánh, rất nhiều cánh tay giơ lên. Sự thô bạo với trẻ có thể làm trẻ có nhiều ức chế dẫn đến bạo lực ở môi trường khác.
TS Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV, đề xuất nên xây dựng một ứng dụng công nghệ thông minh để những trẻ em, phụ nữ yếu thế bị bạo lực có thể thông báo dễ dàng để nhận được sự can thiệp, giúp đỡ. Bà nói: “TP có nhiều tổ chức đại diện cho phụ nữ và trẻ em nhưng nhiều đối tượng vẫn chưa tiếp cận được do các tổ chức còn có tính hành chính. Dù chúng ta rất thân thiện nhưng với phụ nữ và trẻ em yếu thế vẫn rất dè dặt khi tiếp cận các tổ chức này”.
Ngoài ra, các đại biểu nữ đã bày tỏ ý kiến của mình trong nhiều lĩnh vực khác như chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc y tế cho phụ nữ và trẻ em…