Khoảng 19 giờ 15 chiều 26-11 theo giờ địa phương (tức khoảng 17 giờ 15 chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30-11, theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.
Đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại Sân bay Quốc tế Haneda và khách sạn có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và Phu nhân, Lãnh đạo và các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu và Phu nhân; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Thời khắc quan trọng giữa hai nước Việt - Nhật
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Nhật Bản diễn ra đúng vào thời khắc rất đặc biệt trong quan hệ hai nước.
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.
Chủ tịch nước cũng sẽ có các cuộc hội kiến với lãnh đạo cấp cao và phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản.
Chủ tịch nước sẽ tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản và một số hoạt động quan trọng khác.
Dự kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng sẽ thăm tỉnh Fukuoka và có một số hoạt động tại đây.
Củng cố sự tin cậy về chính trị
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tin tưởng chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới thông qua đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Chuyến thăm cũng góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu, trao đổi mật thiết giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Với chuyến thăm lần này, cả bốn Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều đã trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản trong năm 2023.
Cụ thể, tháng 3-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm Thủ tướng Kishida Fumio vào tháng 5-2023.
Mới đây nhất, tháng 9-2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chuyến thăm là sự khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản phát huy điểm đồng về lợi ích vì sự phát triển của mỗi nước cũng như trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực.
Nhật Bản hiện là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 30 tỉ USD), đối tác hợp tác lao động thứ 2, du lịch và đầu tư thứ 3 và thương mại thứ 4 của Việt Nam.
Hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu...
Trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, sâu rộng trên các lĩnh vực trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhìn nhận chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lần này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trên các lĩnh vực. Đồng thời, làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương với đối tác Nhật Bản.
Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư, ODA, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực... Qua đó, giúp Việt Nam thực hiện ba đột phá chiến lược, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.