Chiều 12-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đi khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ triển khai thi công dự án xây dựng đường Lương Định Của và dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức.
Tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư tổ chức giao thông khu vực nút giao An Phú và tổ chức thi công để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Nút giao Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ, quyết định tiến độ nút giao An Phú
Tại buổi kiểm tra, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), báo cáo dự án xây dựng nút giao thông An Phú hiện có 350 công nhân triển khai thi công ở 8 gói thầu. Tất cả đang được đẩy nhanh tiến độ.
Ông Phúc báo cáo, nút giao An Phú là nút giao đẹp nhất song cũng rất phức tạp. Đây là nút giao có tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang và TP.HCM - sân bay Long Thành đi qua, trong tương lai nút giao An Phú trở thành nút giao 5 tầng.
Là dự án trọng điểm, phức tạp, ông Phúc cũng báo cáo dự án còn gặp nhiều khó khăn, đó là công tác vừa tổ chức giao thông, vừa đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó, mỗi một gói thầu sẽ từng bước làm dần qua ngã tư An Phú, vì vậy vừa tổ chức giao thông và thi công là vô cùng quan trọng.
"Vì lẽ đó, tiến độ dự án An Phú cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, một số hạng mục phải đợi các mũi thi công khác hoàn thành mới có thể triển khai thi công được, như vậy mới hạn chế ảnh hưởng giao thông.
Đơn cử khu vực An Phú có tới 22.000 contaner di chuyển/ngày nên việc thi công sẽ tác động không nhỏ tới các phương tiện. Vì vậy, Ban Giao thông sẽ tập trung rà soát tổ chức giao thông lượng container đi qua nút giao để hạn chế ùn ứ nhất có thể, trong đó có thể phân luồng từ xa, tách xe máy không đi qua nút giao phức tạp"- ông Phúc nói.
Ngay tại công trường, nhà thầu triển khai dự án nút giao An Phú báo cáo nếu có thể tổ chức giao thông nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống và cho dòng container di chuyển vào đường D1, thời gian thi công nút giao sẽ rút ngắn khoảng 3 tháng. Lúc này, cầu Giồng Ông Tố và đường Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ sẽ hoàn thành đồng bộ.
Ông Phúc cũng cho biết Ban Giao thông và Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục lên phương án phân luồng để đảm bảo thi công và điều tiết giao thông. Đồng thời tăng cường 3 ca 4 kíp để dự án cầu Giồng Ông Tố và cầu Bà Dạt, một phần hầm chui HC1 hoàn thành trong năm 2024.
Cần đẩy nhanh tiến độ dự án nút giao An Phú
Tại công trường, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng hiện nay mặt bằng đã có, vấn đề là tổ chức giao thông ở nút giao An Phú và tổ chức thi công hợp lý. Các đơn vị cần lên phương án điều tiết xe hai bánh và container đi lại đảm bảo.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết khi làm dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, các đơn vị cần lên phương án nghiên cứu việc điều tiết giao thông ở nút giao Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ, nghiên cứu kỹ và bàn phương án triển khai, đánh giá tác động, chạy mô phỏng. Đồng thời, Sở GTVT TP cần lấy ý kiến của các hiệp hội về đề xuất này.
"Chúng ta nên nghiên cứu phương án đóng cục bộ để đẩy dự án nhanh nhất có thể. Vì vậy, chủ đầu tư cần làm việc với nhà thầu cầu, Giồng Ông Tố để hầm chui được hoàn thành đồng bộ vào dịp 2-9 này"- ông Phan Văn Mãi nói.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng mấu chốt của vấn đề là điều tiết giao thông gắn với tổ chức thi công, tất cả cần nhịp nhàng, nhà thầu cần triển khai thi công 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ. Cần thiết là điều tiết theo giờ để mang lại hiệu quả, các đơn vị có gặp khó khăn gì cần sớm báo cáo để kịp thời giải quyết.
Hiện nay TP có nhóm giải quyết sự cố, tổ chức giao thông nhanh nhất có thể ở khu vực An Phú - Cát Lái. Đồng thời, sở GTVT TP và các đơn vị liên quan đã họp bàn, sẽ tiến hành chạy mô phỏng trước khi điều tiết giao thông khu vực Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống trước khi triển khai.
Các bên cần tập trung nghiên cứu đề xuất sớm đầu tư đường hầm Trần Não, với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng để đồng bộ và phát huy được hạ tầng giao thông cho cả khu vực phía Đông TP.
Bên cạnh đó là mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành bởi lẽ sân bay Long Thành sắp hoàn thành. Vì vậy, cần có nhiều tuyến đường kết nối, đặc biệt là mở rộng cao tốc là cấp thiết.
Dự án Lương Định Của vẫn vướng mặt bằng
Ông Lương Minh Phúc cho biết dự án nâng cấp đường Lương Định Của có vai trò quan trọng - trở thành trục chính kết nối với dự án nút giao An Phú. Hiện dự án vẫn còn vướng mặt bằng, nếu TP Thủ Đức bàn giao mặt bằng thì dự án sẽ hoàn thành, thông xe trong 7 tháng.
Hiện nay dự án còn xử lý nền đất yếu, di dời tiện ích. Ngoài ra, dự án còn một số đoạn được Ban Giao thông đang tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cảnh quan cho dự án và triển khai thi công những đoạn có mặt bằng trống.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết TP Thủ Đức sẽ nỗ lực hoàn thiện điều chỉnh ranh dự án Trường Thịnh trong tháng 4 và nhà thầu có thể thi công ngay.
TP Thủ Đức cũng tăng cường vận động người dân, kịp bàn giao mặt bằng sớm nhất. Tinh thần TP Thủ Đức muốn làm thật nhanh.
Tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị cần quyết tâm giải phóng mặt bằng, để dự án triển khai thi công, hoàn thành trong 7 tháng. Dự kiến 30-4, TP Thủ Đức phải xong mặt bằng, phải có các biện pháp làm được và bỏ qua mọi khó khăn. TP.HCM sẽ cùng với TP Thủ Đức để làm nhanh nhất.