“Cần nhất đối với tỉnh Phú Yên hiện nay là lực lượng điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện, số ca bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh rất cao và có nguy cơ tăng thêm nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, cơ sở vật chất, kinh nghiệm điều trị ở Phú Yên đối với COVID-19 thì chưa tốt”- ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PLO.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (thứ ba từ trái sang) kiểm tra bệnh viện dã chiến tại thị xã Đông Hòa. Ảnh: VŨ XUÂN
Ông Trần Hữu Thế cho biết: "Tôi mới trao đổi với Khánh Hòa và một số tỉnh. Chúng tôi đang cần hỗ trợ lực lượng bác sĩ để tăng cường công tác điều trị của tỉnh. Khi dịch bùng phát, tỉnh đã thành lập bệnh viện dã chiến tại thị xã Đông Hòa với công suất ban đầu 100 giường, sau đó đã nâng lên 200 giường".
Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện dã chiến này sắp kín giường. Lý do là ngoài bệnh nhân COVID-19 thì các trường hợp F1 nguy cơ cao, đang có dấu hiệu bệnh cũng phải đưa vào bệnh viện dã chiến chứ không thể cách ly chung với các trường hợp F1 khác. Do đó, tỉnh Phú Yên đã quyết định thành lập bệnh viện dã chiến thứ hai tại Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa.
.Hiện nay, Phú Yên đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong công tác phòng chống dịch COVID-19, thưa ông?
+ Sau công tác điều trị COVID-19, khó khăn lớn thứ hai là kinh nghiệm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm ở Phú Yên hiện nay đang chậm. Hiện nay, năng lực xét nghiệm của Phú Yên đã được nâng lên đáng kể với sự hỗ trợ của Viện Pasteur Nha Trang, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Hai đơn vị là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên, BV Đa khoa Phú Yên được trang bị máy tốt, được xét nghiệm khẳng định với năng lực 8.000-10.000 mẫu mỗi ngày và có kết quả chính xác trong ngày.
Tuy nhiên, cái khó là việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm còn chậm do chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện tình hình này trong vài ngày tới. Nếu được tăng cường lực lượng lúc này để làm nhanh thì sẽ rất tốt.
Lấy mẫu xét test nhanh cho toàn bôn nhân viên siêu thị Co.opmart Tuy Hòa. Ảnh: TẤN LỘC
Đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, hiện nay nhiều anh em chưa được tiêm vaccine COVID-19 do không có vaccine. Do đó, khi đi làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, anh em có lo ngại. Đây là khó khăn chung của cả nước.
Ngoài ra, còn những khó khăn khác và chúng tôi đang kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ. Đó là nhiều gia đình đang gặp khó khăn do những người lao động chính đang bị cách ly, không có thu nhập.
Hay nhiều cháu bé trong các khu cách ly không có người chăm sóc khi cha mẹ các cháu là F0, nhiều cháu nhỏ phải ở cùng bố mẹ trong các khu cách ly tập trung do không người chăm sóc. Hay ngay cả các lực lượng tuyến đầu chống dịch khi thực hiện nhiệm vụ cũng gặp rất nhiều khó khăn về trang thiết bị, hậu cần…
.UBND tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo thực hiện những giải pháp quyết liệt nào để kiềm chế, ngăn chặn dịch lây lan với tốc độ khá nhanh như hiện nay?
+ Chúng tôi đang chỉ đạo toàn hệ thống chính trị của tỉnh, vận động, kêu gọi người dân cùng thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để có thể nhanh chóng hạn chế lây lan, kiềm chế, tiến tới khống chế dịch COVID-19 trên toàn tỉnh.
Việc đầu tiên là phải khoanh vùng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để nhanh chóng tìm hết F0. Thứ hai là trên cơ sở truy vết, phải tìm nhanh ra các vùng cần xét nghiệm diện rộng.
Thứ ba là đẩy mạnh tuyên truyền nhanh, gấp các giải pháp chủ động của người dân trong việc phòng tránh dịch, nâng cao năng lực phòng ngừa đối với COVID-19. Thực tế hiện nay nhiều người dân còn chủ quan lắm!
Phú Yên đang đẩy mạnh xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng. Ảnh: TẤN LỘC
Chúng tôi yêu cầu phải tuyên truyền mạnh những biện pháp phòng ngừa chủ động, kể cả những biện pháp dân gian có khả năng phòng ngừa cao, những kinh nghiệm, giải pháp, tài liệu để tăng cường khả năng phòng ngừa lên.
Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương xây dựng bản đồ dịch tễ để người dân sử dụng. Khi sử dụng các thiết bị như điện thoại, người dân sẽ biết khu vực nào, nhà nào có người F1, F2 để tránh xa các khu vực có nguy cơ; từ đó giảm thiểu nguy cơ.
Khi người dân cùng chung tay vào, cùng bảo vệ, tự bảo vệ mình, có những biện pháp tự phòng ngừa thì lúc đó mới có thể đẩy lùi dịch bệnh; chứ chỉ đơn phương từ phía chính quyền thì rất khó, thậm chí không thể.
Về các khu cách ly tập trung, trước đây tỉnh đã chuẩn bị sẵn theo kịch bản. Tuy nhiên, kịch bản đó là đang áp dụng cách ly đối với những chủng bình thường. Còn bây giờ chủng mới, có nguy cơ lây nhiễm chéo cao thì phải cách ly ở mật độ thưa hơn, số lượng người ở trong các khu cách ly tập trung ít hơn, đòi hỏi số lượng phòng nhiều hơn. Do đó, tỉnh đã cho thực hiện tổ chức cách ly thưa hơn.
Hiện, UBND tỉnh đã cho phép sử dụng một số khách sạn, nhà nghỉ đủ điều kiện để cách ly tập trung những người có nguy cơ cao. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu tiếp khả năng, xem xét đến một lúc nào đó thì cho cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện trong thời gian ngắn được.
*Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dịch lây lan nhanh do F0 tiếp xúc nhiều người Việc dịch lây lan nhanh trên diện rộng ở Phú Yên là do ca F0 đầu tiên (tức bà chủ quán cơm Yến Nam, tức BN 13960-PV) có quá trình di chuyển rất rộng, đến nhiều điểm công cộng trong một thời gian tương đối dài cho đến khi cơ quan chức năng của tỉnh có thông tin về trường hợp này. Từ đó, số lượng người tiếp xúc trong cộng đồng quá lớn nên việc khoanh vùng, xử lý không kịp với tốc độ lây lan. Ông TRẦN HỮU THẾ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên |