Sở Nội vụ TP.HCM vừa gửi dự thảo quyết định của Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện giải quyết một số thủ tục về quỹ xã hội, quỹ từ thiện, đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để có ý kiến.
Theo công văn của Sở Nội vụ thì theo khoản 2 Điều 18 Nghị định số 93/2019 của Chính phủ quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ có thời hạn hoạt động; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động…
Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp vốn tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
Căn cứ khoản 7 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định trong trường hợp cần thiết (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này), cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc…
Nhằm giúp UBND quận, huyện chủ động trong công tác quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện, đồng thời giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến các quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn TP.
Sở Nội vụ đã gửi dự thảo quyết định quyết định của Chủ tịch UBND TP về việc ủy quyền nêu trên đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để có ý kiến về nội dung dự thảo trước ngày 20-11.
Chủ tịch UBND quận, huyện được làm gì? Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện giải quyết một số thủ tục về quỹ xã hội, quỹ từ thiện do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập, có phạm vi hoạt động trong quận, huyện, phường, xã, thị trấn gồm 9 nội dung ủy quyền: 1. Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ. 2. Cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên quỹ. 3. Đình chỉ có thời hạn hoạt động đối với quỹ vi phạm quy định của pháp luật về quỹ. 4. Cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn. 5. Mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ. 6. Công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động. 7. Công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ. 8. Cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập quỹ. 9. Thu hồi giấy phép thành lập quỹ. *Đối với thủ tục về quỹ xã hội, quỹ từ thiện do công dân, tổ chức nước ngoài góp vốn tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập, có phạm vi hoạt động trong phường, xã, thị trấn thì ủy quyền 8 nội dung gồm: 1.Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ. 2. Cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên quỹ. 3. Đình chỉ có thời hạn hoạt động đối với quỹ vi phạm quy định của pháp luật về quỹ. 4. Cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn. 5. Công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động. 6. Công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ. 7. Cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập quỹ. 8. Thu hồi giấy phép thành lập quỹ. (Trích dự thảo quyết định ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện giải quyết một số thủ tục về quỹ xã hội, quỹ từ thiện) |