Ngày 29-10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Từ thiện phát triển - Xu hướng và văn hóa từ thiện trong và sau COVID-19”. Hội thảo có sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp xã hội và khối doanh nghiệp tư nhân.
Tránh trao tiền tỉ tượng trưng rồi… chạy mất
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kiến thức, cơ hội và thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện các hoạt động từ thiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như trong bối cảnh bão lũ gần đây tại các tỉnh miền Trung.
Trình bày tại hội thảo, bà Tôn Nữ Thị Ninh dẫn chứng về sự hỗ trợ của cộng đồng trong dịch COVID-19 và trong các đợt bão lũ ở miền Trung. Theo bà Ninh, tất cả sự hỗ trợ đều từ xuất phát điểm có sẵn là lòng tốt của người Việt.
Tuy nhiên, bà Ninh đặt vấn đề: “Chúng ta phải làm sao để việc làm từ thiện ngày càng đi vào thực chất, ngày càng bớt hình thức, bớt chạy theo việc đánh bóng tên tuổi, ngày càng trung thực hơn”.
Bà Ninh lấy dẫn chứng từ câu chuyện một đơn vị kêu gọi đóng góp thiện nguyện. “Lần nào cũng có một vài doanh nghiệp tranh thủ lên sân khấu cầm bảng trao tượng trưng khoản đóng góp 1 tỉ, 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, chụp ảnh, quay phim xong, đơn vị tổ chức phải chạy theo các doanh nghiệp đó rất lâu mới nhận được thực tiền, thậm chí đơn vị tổ chức phải bỏ cuộc luôn” - bà Ninh kể lại.
Theo bà Ninh, lòng tốt ở Việt Nam không thiếu nhưng lác đác vẫn có những người lợi dụng, nhân danh lòng tốt để mưu cầu lợi ích riêng. Việc lợi dụng như thế này không chỉ ở những cậu nào, cô nào tranh thủ khôn lỏi mà có cả những doanh nghiệp thứ thiệt.
Từ đó, bà Ninh đúc kết: “Làm thật mà khoe một chút thì chắc không ai chê bai, làm nhiều mà không nói thì càng được vô cùng kính nể… Doanh nghiệp càng thực chất, càng kín đáo đi làm từ thiện thì doanh nghiệp đó càng bền vững ở cả tầm vóc và văn hóa doanh nghiệp” - bà Ninh nói.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại hội thảo “Cần có những biện pháp, phương pháp, năng lực tổ chức các hoạt động từ thiện”. Ảnh: V.THỊNH
Đừng để người khổ mất cơ hội được giúp đỡ
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc hoạt động Trung tâm Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CFC), đề cập đến câu chuyện về hệ thống phòng thủ trước thiên tai.
Bà kể, trước đó bà đã sang Nhật Bản để học về đối phó với thiên tai, qua đó nhận ra rằng bản thân bà không biết gì về sơ cứu, không biết khi động đất thì cầm theo cái gì và như vậy hệ thống phòng thủ của bản thân quá yếu.
Bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) thì đem đến hội thảo câu chuyện về việc lập các quỹ từ thiện tại Việt Nam. Bà lấy thực tế từ câu chuyện của bà và một số đối tác cùng nhau góp một quỹ để hỗ trợ người dân nhưng khi quỹ đi vào thực hiện thì lại phát sinh vấn đề về tính pháp lý.
“Làm thế nào để mình làm vừa tốt vừa đúng, bởi vì nếu mình làm không đúng thì không những mình bị dừng, bị ảnh hưởng mà quỹ cũng sẽ không phát triển được” - bà Oanh nói.
Liên hệ sang việc Thủy Tiên với quỹ từ thiện do chính nữ ca sĩ này kêu gọi và đang thực hiện thành công, bà Oanh cho hay: CSIP không phải một cá nhân như Thủy Tiên để có thể đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân mà là một tổ chức. “Tất cả chúng ta ở đây rất nhiều người tử tế nhưng chúng ta cũng không biết làm như thế nào là đúng, là phù hợp, là bền vững. Trong lúc hoang mang như vậy, chúng ta dễ từ lòng xúc cảm của mình mà gửi tiền cho ca sĩ Thủy Tiên hay cho anh A, chị B là rất bình thường” - bà Oanh nêu quan điểm.
Bà Đỗ Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hội tụ nhân tài Talent Pool, cũng đưa ra thực tế, hành trình chúng ta đối diện với những thử thách của cuộc sống không bao giờ dừng lại, không bao giờ hết người nghèo, không bao giờ hết khổ, không bao giờ hết người cần được giúp đỡ…
Bà Dương cho rằng có lẽ điều khó khăn nhất mà chúng ta sẽ phải đối diện là khi làm việc từ thiện, chúng ta có dấy lên lòng tham không, có bực mình vì những người khác thờ ơ không. Hoặc chúng ta có chấp nhận mình cũng có thể làm mà chưa biết đúng sai…
Cuối cùng, bà Dương đưa ra kết luận cá nhân: Đợi đến khi chúng ta an yên rồi, chúng ta rõ đúng sai rồi, chúng ta khỏe rồi mới làm từ thiện thì chúng ta đã mất đi nhiều thứ và những người khác cũng đã mất đi nhiều cơ hội để chúng ta giúp đỡ.
Từ khóa “Thủy Tiên”, “minh bạch” được quan tâm nhiều nhất Theo thăm dò nhanh của ban tổ chức về các từ khóa được quan tâm liên quan đến việc từ thiện ở nước ta thì những từ khóa được đề cập nhiều là “Thủy Tiên”, “cứu trợ”, “minh bạch”… |