Chủ tịch Quốc hội: 'Không né tránh vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách'

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý vừa qua ở một số địa phương đã xảy ra vụ án hình sự, kỷ luật cán bộ liên quan đến khai thác khoáng sản.

Sáng 12-8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Nêu ý kiến, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định trong dự thảo luật, đặc biệt là những quy định cụ thể, chi tiết để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Lo ngại tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm

Liên quan đến cơ quan chủ trì lập quy hoạch khoáng sản, dự thảo luật đang xây dựng hai phương án. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận xét cả hai phương án đều có ưu điểm và hạn chế.

Phương án 1: Giao Bộ TN&MT lập Quy hoạch khoáng sản, đây là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng phương án này có thuận lợi là đồng bộ với quản lý quy hoạch, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sau này. Tuy nhiên, “hạn chế” của phương án này là làm thay đổi chức năng, việc phân công trách nhiệm quản lý theo pháp luật hiện hành.

“Đây là vấn đề lớn, phải đánh giá kỹ tại sao trước đây giao thế, giờ lại chuyển đổi thế này”- ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nêu quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói ông “nghiêng về phương án 2”, giữ nguyên quy định hiện hành giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản.

Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, dự thảo luật cũng đang xây dựng hai phương án.

Phương án 1: Việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch. Phương án 2: Dự thảo Luật quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đánh giá đây là “vấn đề lớn”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý chúng ta đưa ra một số quy định đặc thù liên quan đến quy hoạch khoảng sản làm thay đổi cách tiếp cận pháp luật, quan điểm chỉ đạo.

“Thực tế hiện nay, Luật Quy hoạch đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ trong việc điều chỉnh quy hoạch. Bởi chúng ta đã tổng kết đánh giá và rút ra bài học thực tiễn công tác quy hoạch thời gian vừa qua, có rất nhiều trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, theo tư duy nhiệm kỳ, cũng có những trường hợp tiềm ẩn rất lớn nguy cơ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khi điều chỉnh quy hoạch quá dễ dãi” - theo ông Hoàng Thanh Tùng.

Từ thực tế trên, ông Tùng lo ngại bây giờ ban hành luật chuyên ngành lại “điều chỉnh một chút”, làm cho điều chỉnh quy hoạch dễ dàng hơn. “Đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể đối với công tác quản lý quy hoạch nói chung chứ không phải từng lĩnh vực riêng lẻ thế này” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Với hai phương án về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục làm rõ căn cứ, yêu cầu để đưa ra hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 8 tới đây.

Về cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý “phải đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối”.

Đã xảy ra án hình sự, kỷ luật cán bộ liên quan đến khai thác khoáng sản

Đề cập đến vấn đề cấp phép, thăm dò và khai thác khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nên tách hai khái niệm thăm dò và khai thác.

Ghi nhận việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là tốt, đã góp phần giải tỏa tìm nguồn vật liệu san lấp cho các công trình quan trọng quốc gia, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lo ngại có tình trạng lạm dụng việc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Thủ tục mình làm rất nhanh nhưng không cẩn thận lại để xảy ra tình trạng lạm dụng, lợi dụng, dùng cho công trình của quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều. Rồi phá đường, phá hạ tầng, phá môi trường…” - ông Nguyễn Khắc Định cảnh báo.

Từ phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần kiểm soát và phân tích thêm nội dung này. Ông cho rằng quy định về khai thác khoáng sản cần chặt chẽ hơn, phải theo quy hoạch và có thời hạn, phù hợp quy mô của mỏ khai thác đã thăm dò.

“Trước đây tôi làm lãnh đạo tỉnh, họ bảo mỏ hai năm xin cấp phép năm năm nhưng tôi chỉ cấp phép sáu tháng. Mỏ bé tí, khai thác cát hai năm thì các ông đào cả dòng sông à? Phải (cấp phép) theo quy hoạch và trữ lượng” - ông Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ quan điểm cần kiểm soát khối lượng, sản lượng khai thác và sử dụng, chỉ được phục vụ cho các công trình quốc gia, không đồng ý đào khoáng sản để bán ra ngoài.

Các vấn đề về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và hạ tầng, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị cần biện pháp đồng bộ, tránh đơn giản hóa được một chút để phục vụ các công trình công cộng, công trình quốc gia nhưng lại để lạm dụng, phá hết hạ tầng và môi trường.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý vừa qua ở một số địa phương đã xảy ra vụ án hình sự, kỷ luật cán bộ liên quan đến khai thác khoáng sản. Điều đó cho thấy việc cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Quy hoạch, thăm dò, khai thác cần có phân biệt rõ” - Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh cần rà soát xem có “nhóm lợi ích” trong dự thảo luật này không.

“Trong xây dựng pháp luật phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc khi thực hiện các quy định của Đảng. Đề nghị cơ quan chủ trì là Bộ TN&MT, cơ quan thẩm tra là Ủy ban KH,CN&MT phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong soạn thảo, thẩm tra” - theo Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nghiêm túc quy định này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quá trình làm luật, cho ý kiến, cần thể hiện quan điểm, chính kiến khách quan, không né tránh các vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.

Ông Mẫn cho biết có thể đầu năm sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức diễn đàn về pháp luật để bàn sâu hơn, kỹ hơn về công tác lập pháp, làm sao để nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu.

Để làm được điều này, ông cũng mong có sự đóng góp của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà làm luật chuyên nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới