Sáng 30-9, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tiếp xúc với cử tri TP Ngã Bảy và các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và Châu Thành A trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Cử tri băn khoăn chính sách bảo hiểm y tế
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đánh giá cao những đổi mới, chất lượng hoạt động của Quốc hội thời gian qua. Cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ ý kiến, kiến nghị một số vấn đề mong muốn Trung ương và địa phương xem xét.
Cụ thể, cử tri TP Ngã Bảy ý kiến bảo hiểm y tế một số quy định chưa phù hợp. Còn tình trạng bệnh viện “đổ lỗi” do không có thuốc điều trị, phía bảo hiểm xã hội giải thích thuốc nằm ngoài danh mục, không thanh toán được. Do đó, cử tri đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét và cho chủ trương phù hợp hơn đối với người tham gia bảo hiểm y tế.
Một số cử tri cũng kiến nghị nên áp dụng thẻ bảo hiểm y tế cho toàn quốc. Theo đó, người bệnh khi có nhu cầu đi khám bệnh thì khám ở bệnh viện nào và tuyến nào cũng được. Điều này sẽ tạo động lực để các bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh hơn.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế, cử tri huyện Phụng Hiệp đề nghị Quốc hội có chính sách bảo hiểm y tế đối với thân nhân của thương binh 3/4 và 4/4 cũng như thân nhân của thương binh 1/4 và 2/4. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung các chế độ, chính sách về nhà ở, điều dưỡng, mai táng phí... đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ khi tái giá.
Cử tri cũng phản ánh tình trạng người dân có đất được thu hồi có giá bồi thường rất rẻ. Trong khi đó, doanh nghiệp đấu thầu rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lại đưa ra giá bán đất nền rất cao khiến người dân không thể mua lại được.
Trên thực tế, khi người dân phải dời, tiền bồi thường chỉ đủ mua lại một diện tích đất mới, nếu xây dựng lại nhà như trước chưa chắc đã đủ tiền. Ngoài ra, khi dời đi chỗ khác sinh sống bà con bị mất công ăn việc làm...
Từ đó, cử tri cũng đề nghị các bộ, ngành quy định thêm về việc hỗ trợ di dời và tiền trợ cấp cho người dân từ 6-12 tháng để người dân ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, hỗ trợ người dân khi mua đất khác và phải chuyển đổi mục đích sử dụng, kể cả trên đất ruộng và đất trồng cây lâu năm.
Hầu hết các kiến nghị đều nằm trong các luật sắp được thông qua
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chưa có nhiệm kỳ nào có nhiều khó khăn thách thức không thể lường được như Quốc hội khóa XV. Sau dịch bệnh COVID-19, rồi đến tình hình chiến sự thế giới và gần đây nhất là bão số 3.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, số liệu thống kê gần nhất, bão số 3 vừa qua ảnh hưởng 26 tỉnh, TP phía Bắc làm 318 người tử vong, 1.979 người bị thương và 26 người mất tích, thiệt hại sơ bộ ước tính khoảng 81.000 tỉ đồng. Bão số 3 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP cả nước khoảng 0,15%.
“Dù Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung có khó khăn cỡ nào cũng không thể sánh bằng các địa phương miền Bắc, miền Trung; bão, lũ liên tục, đất đai cũng không được màu mỡ như chúng ta. Tôi muốn nói điều này để chúng ta nhìn lại điều kiện thiên nhiên của địa phương, có hướng phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển hơn nữa trong thời gian tới” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Bên cạnh một số kết quả nổi bật, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại ở tỉnh Hậu Giang và đồng bằng sông Cửu Long. Đó là việc đầu tư kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế; đời sống người dân còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí so với các vùng vẫn còn thấp...
Đối với các ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các kiến nghị hầu hết đều nằm trong các luật sửa đổi sắp được thông qua.
Đơn cử, liên quan vấn đề bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sắp thông qua tại kỳ họp thứ 8 sẽ có nhiều vấn đề mới. Cụ thể, thái độ phục vụ, thuốc men, ứng xử của nhân viên y tế... phải công bằng giữa khám bệnh dịch vụ với khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Cạnh đó, trong việc mua bảo hiểm y tế, thủ tục hành chính sẽ thuận tiện hơn cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục quyết tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế. Cụ thể, Quốc hội sẽ xây dựng luật mới; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết không còn phù hợp...
Đồng thời, Trung ương sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm, như: hoàn thành sân bay Long Thành đưa vào khai thác, hoàn thành 3.000km đường cao tốc....
Vấn đề kế tiếp là tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính.
“Đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang rà lại các quy định nào không còn phù hợp thì xem xét bãi bỏ; phải đơn giản hóa tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực từ tháng 8-2024. Tỉnh Hậu Giang xem lại đã có những hướng dẫn để đồng bộ thi hành các luật hay chưa, nếu chưa thì làm ngay”- Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
“Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo là xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, để đảm bảo giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn; tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.
Mạnh dạn giao tỉnh, địa phương quyết định và địa phương chịu trách nhiệm trên cơ sở cơ sở quy định của pháp luật; vận dụng như thế nào cho để bảo đảm điều kiện phát triển của địa phương. Việc gì xã làm được là làm ngay, huyện làm được là làm ngay, tỉnh làm được cũng làm ngay, không trông chờ vào Trung ương. Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo rất mới” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.