Chiều 11-5, Liên đoàn lao động TP.HCM đã tổ chức chương trình Cảm ơn Người lao động tại trụ sở UBND TP.HCM (quận 1).
Mong mỏi tiếp cận nhà ở xã hội
Tại chương trình, lãnh đạo thành phố cùng lãnh đạo Liên đoàn lao động TP.HCM đã có dịp lắng nghe những chia sẻ của các đoàn viên công đoàn là đại diện của công đoàn các khu công nghiệp, cơ quan,… trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, phát biểu tại chương trình, anh Trần Anh Kiệt, Chủ tịch Công đoàn công ty Hitachi đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân lao động trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là chính sách nhà ở xã hội cũng như quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động.
“Trong đó, vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được chú trọng.
Nguồn vay mua nhà trả góp như thế nào? Và thành phố dành bao nhiêu căn nhà ở xã hội cho công nhân? Tiêu chuẩn về quy chuẩn nhà trọ ra sao?" - anh Trần Anh Kiệt nêu.
"Các dự án nhà ở xã hội được bán ra thấp hơn so với các dự án nhà ở thương mại… Các đối tượng thuộc diện mua nhà hay thuê nhà ở xã hội cũng được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi 4-5%..
Tuy nhiên các nguồn thông tin về dự án nhà ở xã hội còn hạn chế vì vậy các dự án không được phổ biến rộng rãi công nhân lao động khó tiếp cận và tìm được nguồn nhà ở phù hợp.
Đề xuất UBND thành phố có những thông tin về nhà ở xã hội rộng rãi và nói thêm về nguồn vay để công nhân có thể vay được nguồn vốn tốt nhất để mua nhà” – chị Hải bày tỏ.
Anh Phạm Thái Nghĩa, Xí nghiệp Isuzu An Lạc thuộc Tổng Công ty SAMCO mong mỏi: "Thành phố khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động.
Chủ trương này rất được công nhân, người lao động có thu nhập thấp hoan nghênh và quan tâm. Hiện nay, ở đơn vị chúng tôi, lãnh đạo cũng rất quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân khó khăn và cũng đã xây dựng chính sách về nhà ở cho công nhân như “Mái ấm SAMCO” xây mới hoặc sữa chữa nhà dột nát, hư hỏng cho công nhân khó khăn, hoặc hỗ trợ 1 phần kinh phí thuê nhà cho công nhân có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người lao động có thu nhập thấp cần được hỗ trợ và mong muốn sớm được tiếp cận với chủ trương nhà ở xã hội của thành phố”.
Đến năm 2025, sẽ xây dựng 35.000 căn
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhìn nhận trong thời gian qua, dự án nhà ở xã hội của thành phố có số lượng rất ít vì vướng mắc các vấn đề về quy hoạch, đất đai, kể cả vấn đề sinh lời, hiệu quả nên sự đầu tư của các doanh nghiệp chưa nhiều.
Về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động trên địa bàn, TP.HCM đang có 3 hướng giải quyết chính.
Đầu tiên là về nhà trọ, đây là vấn đề thiết thực nhất với anh em công nhân. Thành phố đang cho rà soát lại yêu cầu các chủ nhà trọ làm theo và đạt chuẩn nhất định để điều kiện ở cũng tương đối.
Thứ hai, thành phố tập trung triển khai nhà cho thuê có chi phí hợp lý ở những nơi nơi tập trung đông công nhân vì nhu cầu này rất lớn. Chúng tôi sẽ khẩn trương giao Sở xây dựng làm với Liên đoàn Lao động để có thể trong năm sau thành phố có dự án nhà cho thuê.
Đối với vấn đề nhà ở xã hội, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thành phố sẽ xây dựng 35.000 căn nhưng đến hiện tại số lượng thực hiện xong rất ít.
"Các dự án hiện tại đã xác định được vị trí thì sau chương trình này, chúng tôi sẽ giao cho Sở Xây dựng có thông tin cho Liên đoàn Lao động để phổ biến đến các cơ sở công đoàn nhằm thông báo cho anh em công nhân lao động.
Nói nhà ở xã hội, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng mua được. Bởi nó ràng buộc rất khắt khe về tiêu chuẩn, cho nên TP.HCM phải thực hiện đồng thời nhà trọ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội để cải thiện chất lượng chỗ ở cho công nhân" – Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết.