Hơn hai tháng nay, người đi ngang đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM thường chú ý nhiều đến tấm bảng treo trước salon “Hớt tóc nam” (57 Bùi Thị Xuân, quận 1) với dòng chữ “Hớt tóc miễn phí dành cho người bán vé số, người khuyết tật và trẻ mồ côi”.
Cần một niềm vui lâu dài...
Tiệm hớt tóc này đi vào hoạt động đã được năm tháng, chủ nhân của tiệm là anh Đỗ Thành Long (32 tuổi, quê ở Nam Định). Vốn sinh ra trong nghèo khó, bản thân phải bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề để kiếm sống nên anh Long hiểu rõ những cực khổ mà người nghèo phải trải qua. Lăn lộn với nhiều công việc khác nhau, anh bén duyên với nghề làm tóc rồi gắn bó với nghề, ngót nghét cũng hơn 10 năm. Chọn nghề làm tóc, anh dành dụm, ấp ủ mở một tiệm hớt tóc riêng của mình.
Ngay từ đầu anh Long luôn nghĩ anh mở tiệm không chỉ đơn thuần để kinh doanh mà còn nuôi ý định giúp nhiều người bằng cây kéo và đôi tay của mình. Chính vì thế sau khi tiệm đã ổn định, anh bắt tay thực hiện công việc thiện nguyện đơn giản là cắt tóc miễn phí cho người nghèo, người bán vé số, người khuyết tật và trẻ mồ côi. Anh treo tấm bảng hớt tóc miễn phí dành cho họ ngay trên cái cây trước tiệm của mình để mọi người nhìn thấy và ghé tiệm.
“Hồi còn trẻ, mình vẫn hay nghĩ chỉ có tiền mới quan trọng. Suy nghĩ lúc đó của mình còn hạn hẹp lắm. Tự bản thân nhận thấy mình là kẻ hám danh lợi, thích tiền tài... Nhưng càng sống, trải qua nhiều chuyện mình mới kịp nhận ra tiền bạc chỉ đem lại cho mình niềm vui trước mắt, còn niềm vui lâu dài chính là làm gì đó có ích cho xã hội, cho cộng đồng...” - anh Long tâm tình.
Tấm bảng với dòng chữ “Hớt tóc miễn phí cho người bán vé số, người khuyết tật và trẻ mồ côi” được treo ngay trước cửa tiệm hớt tóc. Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC
Hiểu thêm về nhiều mảnh đời
Hơn hai tháng qua, anh Long và nhân viên của mình đã hớt tóc miễn phí cho nhiều người nghèo khó và trẻ em khuyết tật, mồ côi cùng với các cô chú bán vé số dạo mưu sinh trên đường... “Cảm giác lúc đó khó tả lắm, khác với việc mình mua được một căn nhà mới hay là một chiếc xe mới. Nó bình dị thôi nhưng người mình cứ thấy lâng lâng mãi” - anh Long cười nói.
Được cắt tóc cho nhiều người mà trước đó chưa có cơ hội để trò chuyện càng làm anh Long thấy mình may mắn hơn vì hiểu thêm được nhiều câu chuyện của cuộc đời. “Nếu không dành thời gian cắt tóc cho họ rồi trò chuyện, mình sẽ không thể biết được đằng sau nụ cười, lời mời đó là hoàn cảnh như thế nào cả. Có nhiều hoàn cảnh bi đát mà khi mình ngồi nghĩ lại mới thấy cái khổ của mình không là gì so với họ cả. Mình còn lành lặn, còn có sức khỏe còn họ thì không...” - anh Long tâm sự.
Anh Long còn kể thêm rằng nhiều người khi thấy anh treo tấm bảng lên cũng dừng lại đọc rồi nhìn vào nhưng rồi lại quay đi. Nhiều lần như vậy, anh hỏi thì mới biết là họ sợ bị lừa, có người ngại nên không dám vào vì cái salon sang trọng thì làm gì có chỗ cho họ. “Lúc đó mình chạy ra giải thích, mời họ vào thì họ mới dám vào đó, thấy thương lắm!” - anh nói.
Những ngày gần đây, khi anh Long và nhân viên vẫn đang hăm hở để tiếp tục cắt tóc miễn phí cho mọi người thì nhận tin không vui. Phía UBND phường Bến Thành yêu cầu anh phải dẹp cái bảng vì cho rằng treo như vậy làm mất mỹ quan đô thị. Anh mang tấm bảng treo vào bên trong cửa tiệm, người nghèo đến tiệm để hớt cũng ít dần đi vì treo ở vị trí đó rất khó để thấy...
“Mình chỉ mong là làm sao đó có thể cho mình treo tấm bảng ở phía ngoài để mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy rồi ghé tiệm để cắt. Chỉ nhiêu đó thôi chứ mình không cần gì thêm cả. Đó là tâm huyết của anh em trong tiệm nữa nên cảm thấy rất buồn” - anh Long nói.
Trao đổi với chúng tôi về việc UBND phường yêu cầu anh Thành Long gỡ tấm bảng xuống và dời vào trong tiệm, ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành, quận 1, cho biết: “Việc làm của anh Long là việc tốt, chúng tôi cũng rất ủng hộ. Nhưng mình đóng đinh rồi treo bảng lên cây như vậy cũng không hay vì làm như thế sẽ ảnh hưởng đến cây xanh”. Theo đó, ông Vinh cũng đưa ra hướng giải quyết cụ thể. “Anh Long có thể làm một tấm bảng để đặt ngay trước tiệm của mình. Sau đó làm một lá đơn trình bày với phường, tôi sẽ thay mặt ký vào lá đơn đó để anh khỏi phải lo sợ việc dẹp vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường... Đó là việc làm tốt, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức có thể” - ông Vinh nói. ____________________________ Nói thiệt nhìn thấy cái tiệm sang quá nên tui không dám vào. Tui cứ chần chừ mãi thôi. Anh chủ tiệm chạy ra nói mãi tui mới mạnh dạn bước vào. Mà dễ thương, vừa cắt vừa nói chuyện thấy gần gũi lắm. Nhiều khi tui tằn tiện nên chẳng chú ý tóc tai gì. Bán có được nhiêu đâu mà bỏ tiền ra cắt, lại còn mấy tiệm sang trọng nữa. Thấy tụi trẻ làm vậy có ý nghĩa mà thích lắm. Hay. Chú NGUYỄN LÂM (60 tuổi), hiện đi bán vé số |