Ngày 18-7, tại TP.HCM Trung tâm Truyền thông, Bộ TN&MT tổ chức hội thảo Các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước và không thải hóa chất độc hại ra môi trường trong ngành dệt nhuộm.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ TN&MT, cho biết Việt Nam đã ký với EU những hiệp định thương mại mới, đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp cận các giải pháp, công nghệ để đầu tư theo hướng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường và an toàn với người sử dụng.
Ông Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NC
Ông Sibbe Krol, đại diện Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH, Hà Lan, chia sẻ các quốc gia trên thế giới đang thực hiện tăng trưởng xanh toàn cầu, hướng đến mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Để thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp ngành dệt may cần chú trọng đến việc sử dụng hóa chất trong khâu dệt nhuộm, hướng đến những loại hóa chất, dung môi, chất xúc tác an toàn.
Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, ước tính có khoảng 7.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp gia công hàng may mặc, chiếm tỷ lệ 85%, còn lại là doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm, chế biến bông, sản xuất xơ, sợi. Đa số các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất, bán sản phẩm và thường có phản ứng thụ động với công tác quản lý hóa chất. Khi có sự cố hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất thì doanh nghiệp mới quan tâm đến công tác này.
Ngành dệt may được đánh giá là ngành gây ô nhiễm môi trường đứng thứ 2 trong các ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước thì khí thải của ngành dệt nhuộm thải ra môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của công nhân và người dân trong khu vực.