Câu chuyện về việc đỗ xe trước cửa hàng hay cổng nhà người khác vẫn là câu chuyện thường gặp tại Việt Nam. Nhiều vụ việc đã xảy ra cự cãi và xịt sơn, vẽ bậy lên xe cũng từng xảy ra rất nhiều. Mới đây, trên mạng xã hội về ô tô lại xuất hiện thêm chiếc ô tô bị tạt lọ sơn màu đỏ trên nền xe màu trắng cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Hình ảnh về chiếc xe bị tạt sơn đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội về ô tô. Ảnh: MXH |
Nhiều người cho rằng người tạt sơn nên nhắc nhở chủ xe thay vì tạt sơn và hành động tạt sơn cũng vô tình phạm vào tội cố ý phá hoại tài sản. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây là chủ xe thiếu ý thức khi đỗ xe, thay vì để bị tạt sơn, chủ xe có thể để một mảnh giấy ghi lại số điện thoại để người bị vướng xe sẽ liên hệ khi cần.
Một ý kiến cho rằng: “Hiện nay trên thị trường có nhiều loại bảng thiết kế khá bắt mắt với giá 30.000 đồng, chủ xe có thể để lại số điện thoại kèm lời nhắn gửi. Tôi thấy mấy lần có việc gấp để chắn cửa nhà người ta, khi chủ nhà gọi thì tôi ra và di chuyển xe đi chỗ khác. Như vậy đôi bên đều vui vẻ”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Linh cũng cho rằng: “Nhiều chủ xe đỗ xe trước cửa nhà người ta rồi khi nhắc nhớ còn vênh váo, lớn tiếng nạt nộ. Việc đỗ xe cũng là văn hóa giao thông, vì vậy để tránh mất hòa khí giữa hai bên và xe không bị hư hại thì chủ xe cũng nên tìm đúng nơi để đỗ xe”.
Còn ý kiến của anh Vũ Minh Tuấn cũng chia sẻ, trước khi anh đỗ xe trước cổng nhà của một người nào đó, anh đều xin phép chủ nhà. “Biết rằng đỗ thì không sai nhưng chủ nhà vui vẻ thì mình cũng thấy không ảnh hưởng tới họ. Còn họ không cho thì mình tìm chỗ khác. Trường hợp lỡ nhà họ có việc gấp, người nhà đi viện chẳng hạn mà xe mình chắn cửa thì khó cho việc đi lại của họ”- anh Tuấn nói.
Xét riêng về hành vi tạt sơn lên xe người khác thì đó là tội cố ý phá hỏng tài sản. Ảnh:MXH |
Liên quan đến việc bị tạt sơn lên ô tô, ông Nguyễn Khắc Xuân (CEO Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair) cho biết, chủ xe nên làm đơn tố giác tội phạm, trường hợp người thực hiện hành vi tạt sơn không đền mà có bảo hiểm thì yêu cầu đơn vị bảo hiểm bồi thường và chuyển quyền đòi bên gây thiệt hại cho đơn vị bảo hiểm đó.
“Tuy nhiên với điều kiện là công ty bảo hiểm có hợp đồng bảo hiểm cho hành vi phá hoại”- ông Xuân nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV, một số đơn vị bảo hiểm không quy định về hành vi phá hoại trong hợp đồng bảo hiểm. Do đó, chủ sở hữu chiếc xe có thể tố giác lên cơ quan chức năng.
Trước đó, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Xét riêng về hành vi tạt sơn lên xe người khác thì đó là tội cố ý phá hỏng tài sản. Dù người đậu xe có lỗi, nhưng từng hành vi của mỗi người sẽ bị pháp luật điều chỉnh riêng. Như vậy hành vi tạt sơn đã vi phạm pháp luật mặc dù nguyên nhân dẫn đến có thể do lỗi của chủ xe”.
Theo luật sư Tuấn, hành vi của người xịt sơn lên xe có thể sẽ cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản tại điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính. Theo đó, người này có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.
“Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”- luật sư nhấn mạnh.