Chưa 30 tuổi đã phải chạy thận suốt đời

“Tôi 28 tuổi, phát hiện bị đái tháo đường khoảng bốn năm. Sau đó biến chứng qua suy thận mạn nên phải chạy thận nhân tạo”. Nằm trên giường bệnh khoa Nội thận-Miễn dịch ghép của Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM, chị NTTT (quận 10, TP.HCM) kể.

Có hối cũng không kịp

Nói về nguyên nhân bị đái tháo đường, chị T. cho biết trong thời gian mang thai con đầu lòng chị ăn uống không nhiều mặc dù rất cố gắng. Do ăn uống ít, đôi lần chị rơi vào tình trạng thiếu chất, người mệt mỏi.

“Thế nhưng sau khi sinh con, tôi lại ăn uống rất nhiều đến nỗi tăng cân khá nhanh. Khi liên tục có các triệu chứng như luôn khát nước, đi tiểu nhiều lần trong ngày, mau đói và mệt mỏi, nhìn mờ… tôi gặp bác sĩ (BS) và tá hỏa khi biết đã bị đái tháo đường loại 2. Không lâu sau đó, căn bệnh đái tháo đường của tôi chuyển qua biến chứng suy thận mạn” - chị T. nói thêm.

“Giờ mỗi tuần tôi phải đến BV Nhân dân 115 chạy thận nhân tạo ba lần. Thiệt là khổ” - chị T. than thở.

Tương tự, anh VMH (30 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) mỗi tuần ba lần đón xe buýt tới BV Nhân dân 115 để chạy thận nhân tạo.

“Cách đây độ bốn năm, tôi thường bị nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ. Tôi cũng thường đỏ mặt, hồi hộp, đau tức ngực… BS bảo tôi bị cao huyết áp ở giai đoạn nặng. Mặc dù uống thuốc đều đặn theo toa BS nhưng chẳng bao lâu sau mặt và tay chân tôi bị phù, khó thở, thở gấp, chán ăn, buồn nôn… Lần này BS nói căn bệnh cao huyết áp của tôi đã biến chứng qua suy thận mạn” - anh H. cho hay.

“Nghĩ lại tôi bị cao huyết áp cũng phải. Do đặc thù công việc nên tôi thường rượu bia, lại không thể dục thể thao. Đã vậy tôi còn hút thuốc lá và ăn rất mặn. Giờ phải nằm dí trên giường bệnh bên máy chạy thận nhân tạo, có hối cũng không kịp” - anh H. nói.

Nhân viên y tế BV Nhân dân 115 đang kiểm tra huyết áp anh H. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nên khám sức khỏe định kỳ

Bệnh nhân bị suy thận mạn càng trẻ hóa. BV Nhân dân 115 hiện có trên 700 người phải chạy thận nhân tạo, trong đó độ tuổi 18-29 chiếm 2/3. Đây là con số khá cao” - BS Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận-Miễn dịch ghép của BV Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết.

Theo BS Dung, đái tháo đường và cao huyết áp là nguyên nhân gây biến chứng suy thận mạn nên bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo suốt đời.

“Cứ tưởng người lớn tuổi mới bị đái tháo đường và cao huyết áp. Thế nhưng khảo sát cho thấy trên 11% người bị đái tháo đường ở TP.HCM trong độ tuổi từ 25 trở lên và gần 48% người bị cao huyết áp ở Việt Nam cũng trong độ tuổi 25 trở lên. Mới 25 tuổi đã bị đái tháo đường và cao huyết áp rồi chuyển qua biến chứng suy thận mạn khi chưa tới tuổi 30 là điều đương nhiên. Đáng lưu ý, con số này chưa dừng tại đây” - BS Dung nói.

“Để chẩn đoán sớm bệnh suy thận mạn, không nên chờ khi có triệu chứng mới đến BS. Nên chủ động tìm bệnh suy thận mạn trên những người có nguy cơ cao như đái tháo đường, cao huyết áp, tiền căn gia đình có người bị suy thận mạn…” - BS Dung lưu ý.

PGS-TS-BS Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội Tiết niệu-Thận lọc TP.HCM, cho biết mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng bệnh nhân trẻ tuổi bị suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo có chiều hướng gia tăng.

“Nhiều người trẻ nghĩ rằng do tuổi chưa cao nên không thể bị đái tháo đường, cao huyết áp nên chủ quan. Do vậy khi phát hiện thì bệnh mau chuyển qua biến chứng suy thận mạn. Vì thế, người trẻ tuổi cần nên khám định kỳ để kịp thời phát hiện đái tháo đường, cao huyết áp và điều trị sớm. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giữ trọng lượng cơ thể hợp lý và thường xuyên tập thể dục thể thao” - ông Vinh khuyến cáo.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 1990, suy thận mạn đứng thứ 27 trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Đến năm 2010, căn bệnh này xếp thứ 18 và hiện đứng thứ sáu trong các nguyên nhân gây tử vong.

BS TẠ PHƯƠNG DUNG, Trưởng khoa Nội thận-Miễn dịch ghép của BV Nhân dân 115 TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bác sĩ Phòng khám vệ tinh Vĩnh Lộc B phối hợp với nhân viên y tế của Trạm y tế Vĩnh Lộc B xử lý vết thương cho một bệnh nhi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Phòng khám đa khoa vệ tinh, cánh tay nối dài của BV

(PLO)- Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các phòng khám đa khoa vệ tinh trên địa bàn cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng tốt và gần nơi ở nhất.

Đưa bệnh viện về gần dân nhưng vướng nhiều thứ

Đưa bệnh viện về gần dân nhưng vướng nhiều thứ

(PLO)- Tại TP.HCM, bên cạnh một số phòng khám đa khoa vệ tinh hoạt động khá hiệu quả vẫn có những phòng khám chỉ hoạt động cầm chừng hoặc được một thời gian thì đóng cửa do vướng thủ tục BHYT, thiếu nhân sự…

Người dân đang chờ khám bệnh tại Phòng khám đa khoa vệ tinh Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trạm y tế đông nhờ phòng khám đa khoa vệ tinh

(PLO)- Việc đưa các chuyên khoa và nhân lực từ bệnh viện quận, huyện về tuyến dưới thông qua mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh giúp tăng cường năng lực y tế cơ sở, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.