Chờ 4 tiếng để xạ trị 4 phút
Đã quá quen thuộc với cảnh chờ đợi lúc nửa đêm đến rạng sáng, có ngày chờ đợi từ 21 giờ hôm trước đến hơn 1 giờ sáng hôm sau chỉ để được xạ trị khoảng ba phút, chú Phạm Tiến Đương (Hậu Lộc, Thanh Hóa) ngày nào đi viện cũng mặc hai ba lớp áo dày. Những hôm trời lạnh quá, chú phải mang theo cả chiếc chăn nhỏ quấn quanh người trong lúc xếp hàng chờ xạ trị.
“Cảnh này chỉ có những ai bị ung thư và gia đình họ mới biết, nó quen thuộc lắm rồi. Ai cũng mệt, cũng ngao ngán, chán chường... nhưng biết kêu làm sao. Chỉ mong được xạ trị, được sống tiếp là tốt rồi” - vợ chú Đương nói.
Ngồi co ro gần đó với khuôn mặt hốc hác, bà Lê Thị Vàng (47 tuổi, quê Nghệ An), than thở: “Còn mong chi hơn lúc này, bây chừ chỉ mong được xạ trị buổi ngày, được chữa bệnh nhanh nhanh một tí. Chứ chừ mà đợi như ri mãi thì không chết vì bệnh mà chết vì lạnh và mệt chú à”.
Máy xạ trị tại BV K Trung Ương
Hình ảnh quen thuốc này đã diễn ra thường xuyên từ tại BV K Trung Ương khi số lượng bệnh nhân ung thư gần đây tăng vọt, trong khi BV chỉ có sáu buồng máy xạ trị. Mỗi đêm, có từ 70-100 bệnh nhân phải xếp hàng chờ đến lượt xạ trị.
Cũng có những ngày bệnh nhân quá đông, phải xếp hàng lần lượt từ đêm hôm trước đến 3-4 giờ sáng hôm sau gây tình trạng mệt mỏi khiến bệnh nhân xuống tinh thần.
BV đang làm việc quá tải
Chúng tôi biết bệnh nhân phải chịu khổ nhưng bệnh viện cũng đang làm việc quá tải, bác sĩ cũng cố gắng thức đêm cũng với bệnh nhân” - ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung Ương, nói.
Theo ông Thuấn, khoa Xạ trị của BV K phải tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm ba ca: Sáng, chiều, đêm. Các máy xạ trị của BV cũng thường xuyên phải sử dụng liên tục 22-23/24 giờ.
Bệnh nhân xếp hàng chờ được xạ trị tại BV K Trung Ương
Mỗi lần xạ trị, thông thường chỉ khoảng 3-4 phút, có những trường hợp chỉ vài giây. Tuy nhiên, do quá đông bệnh nhân lại thiếu máy xạ trị nên bệnh nhân đều được hẹn giờ đến chạy tia. Trung bình một giờ kỹ thuật viên hẹn cho khoảng 10 bệnh nhân. Đa phần bệnh nhân đều đến viện từ rất sớm, có bệnh nhân được hẹn xạ trị lúc 24 giờ hoặc 1 giờ sáng nhưng họ đến viện chờ từ 21 giờ.
“Hiện tượng quá tải ở khu xạ trị là do thiếu máy. Chúng tôi biết và hiểu việc xạ trị vào đêm hôm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, gây phiền hà và cũng ảnh hưởng đến tâm tư, sức khỏe của cán bộ y tế. Thậm chí chất lượng điều trị cũng sẽ bị ảnh hưởng" - ông Thuấn nói.
Ông Thuấn cho biết thêm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi máy xạ trị nên dừng lại ở 40 bệnh nhân/ngày. Nhưng thực tế ở BV K, một máy phải xạ trị 150, thậm chí 200 bệnh nhân/ngày. Các máy làm việc liên tục đến 22-23 giờ/ngày. Hiện Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương để BV mua thêm máy từ nguồn xã hội hóa. Đến tháng 3-2018 sẽ có thêm khoảng 3-4 máy xạ nữa để phục vụ người bệnh.