Chưa chốt được thời điểm bỏ sổ hộ khẩu

Chiều 4-9, Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Quy định đáng chú ý nhất của dự án luật này là thay đổi phương thức quản lý cư trú mới, chuyển từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa. Cụ thể là kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân.

Hai quan điểm khác nhau

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết khi thảo luận, đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về thời điểm có hiệu lực thi hành của luật từ ngày 1-7-2021 vì cho rằng không đủ thời gian để bảo đảm hoàn thiện và vận hành các cơ sở dữ liệu liên quan.

Ủy ban Thường vụ QH nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết một số ý kiến đề nghị luật cần có quy định chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân.

Cụ thể, khi thảo luận vẫn còn hai loại ý kiến về nội dung này. Thứ nhất, đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cho đến hết ngày 31-12-2022.

Loại ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày luật có hiệu lực và không cần có quy định chuyển tiếp. Theo đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành là ngày 1-7-2021…

Đại biểu Trần Thị Dung và Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Duy Ngọc. Ảnh: ĐỨC MINH

Bộ Công an bảo lưu quan điểm

Thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng cần có quy định chuyển tiếp. Theo đó, kể từ ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Theo bà Dung, quy định chuyển tiếp như vậy để tạo thuận tiện cho người dân và việc duy trì sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến phương thức quản lý mới mà chỉ đồng hành trong một thời gian nhất định.

“Theo Luật Căn cước công dân (CCCD), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lẽ ra phải đưa vào vận hành từ ngày 1-1-2020, thế nhưng đến hôm qua Thủ tướng mới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thẻ CCCD gắn chip. Thẻ CCCD được cấp trước đây cũng không khác gì CMND cả. Thẻ đó không gắn chip điện tử thì không thể nào đưa vào kết nối được” - bà Dung nói.

Bà Dung nói tiếp: “Tôi nói với tất cả mong mỏi của mình để làm sao dự thảo luật khả thi nhất, đặc biệt là làm sao để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân”.

Đồng tình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cũng lo ngại nếu nóng vội sẽ gây phiền hà cho người dân.

Phát biểu sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị chỉ để một phương án tại dự thảo luật như nội dung Chính phủ trình QH. Theo đó, sổ tạm trú đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ được tiếp tục sử dụng để giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu được xác lập trước ngày luật có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2021).

Theo ông Ngọc, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quyết định ngày 11-3-2020, xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021.

Bộ Công an sau đó có kế hoạch triển khai dự án, quy định rất cụ thể về thời gian từng việc, kể cả những việc phối hợp, kết hợp với các bộ, ngành liên quan để đồng bộ có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.

Ông Ngọc thông tin ngày 3-9, Thủ tướng đã phê duyệt đầu tư đối với dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD. “Dù dự án này chậm hơn so với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sáu tháng nhưng các bước tiếp theo, chúng tôi sẽ sắp xếp để đồng bộ với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có sự chia sẻ giữa hai dữ liệu với nhau để bảo đảm có sự tiếp nhận thông tin của nhau, tiến tới gộp thành một trung tâm dữ liệu… Chúng tôi bảo đảm sẽ thực hiện được theo đề xuất là từ ngày 1-7-2021 nếu luật này được QH thông qua” - ông Ngọc cam kết.

Hai phương án trình Quốc hội

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú là xu thế tất yếu. Để làm được việc này cần đáp ứng ít nhất là hai điều kiện. Thứ nhất, phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân. Thứ hai, tất cả cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Do ý kiến còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH đã thiết kế hai phương án để xin ý kiến QH.

Phương án 1: Có quy định chuyển tiếp, theo đó kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022. Thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Phương án 2: Giữ như nội dung Chính phủ đã trình QH, theo đó không cần quy định chuyển tiếp. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới