Chưa có luật, tòa vẫn phải giải quyết?

Hiện nay Bộ luật Dân sự (BLDS) chưa quy định trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự khi người dân yêu cầu của tòa, cơ quan có thẩm quyền khác trong trường hợp pháp luật chưa có quy định. Để giải quyết bất cập này, dự thảo BLDS sửa đổi quy định tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự với lý do chưa có điều luật áp dụng.

Công nhận giao dịch sai hình thức nếu ngay tình

Một nội dung khác cũng được đưa ra lấy ý kiến là hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

Theo BLDS hiện hành, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn. Quá thời hạn đó mà các bên không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

Giao dịch dân sự tại Phòng Công chứng số 2, TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Vì quy định trên có nhiều bất cập nên dự thảo BLDS sửa đổi theo hướng: Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo nhưng không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao vật, tiền hoặc đã thực hiện công việc thì giao dịch dân sự vẫn có hiệu lực. Theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó.

Nếu chủ thể chưa chuyển giao vật, tiền hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì mới bị tuyên vô hiệu.

Bảo vệ người thứ ba ngay tình

Cạnh đó, về nội dung bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, BLDS hiện hành quy định: Trường hợp giao dịch dân sự bị tòa tuyên bố vô hiệu nhưng tài sản là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu và chủ sở hữu được nhận lại tài sản của mình (trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá...).

Thực tiễn cho thấy quy định trên chưa bao quát được hết các trường hợp người thứ ba ngay tình cần được bảo vệ quyền lợi, nhất là đối với người căn cứ vào việc tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký mà xác lập giao dịch dân sự.

Do đó dự thảo BLDS sửa đổi quy định: Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu. Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu (trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá...).

Ngoài ra còn một số nội dung sửa đổi khác cũng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân như thời hiệu và thời hiệu về thừa kế, thời điểm xác lập quyền sở hữu… Thời gian lấy ý kiến dự kiến từ ngày 5-1 đến 5-4-2015. Sau đó ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn được tiếp tục gửi về cho Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo). Cơ quan này có nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu cho đến khi dự thảo được thông qua.

Thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường

Chiều 23-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Đáng chú ý, tổ chức của cảnh sát môi trường sẽ có sự thay đổi lớn: Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường sẽ thuộc Bộ Công an (thay vì Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm như hiện nay); Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương; Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc công an quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm