Chưa đánh đã thua

Mới hôm qua mua thuốc ở một dược phòng, cô bán thuốc còn trẻ măng phải dùng máy tính cho 10 viên thuốc, mỗi viên trị giá đúng 2.000 đồng! Cũng may cho người mua là máy tính của cô chưa hết... pin! Nói thêm chỉ ngại mích lòng!

Không dùng cũng hư!

GS Markovitsch ở ĐH Bielefeld đã gây nhiều sửng sốt trong y giới khi công bố kết quả nghiên cứu về trí nhớ. Theo ông này, tín hiệu thần kinh muốn được ghi vào bộ nhớ phải được sao chép nhiều lần, qua đó cảm xúc chính là đòn bẩy để kỷ niệm càng đậm nét, vui buồn cũng vậy, mau trở thành ký ức khó phai. Kẹt chính ở chỗ có keo tốt cỡ nào cũng có thuốc rửa đối kháng. Hai loại nội tiết tố của tuyến thượng thận được phóng thích mỗi lần gia chủ hát bài “xì trết qua đi thôi” là adrenalin và corticosteroid lại có tác dụng như bức tường cản bước tín hiệu trên đường về bộ nhớ. Hậu quả là “em muốn nhớ nhưng em cứ quên”!

Nếu chỉ quên cũng còn may. Điểm bất ngờ trong báo cáo của Markovitsch và cũng là điều gây nhiều lo lắng là phát hiện về tình trạng thoái hóa của nhiều phần trên não bộ, trong số đó có cả tuyến yên, trung tâm điều khiển trục cốt lõi của chất lượng cuộc sống, trục thần kinh - nội tiết - biến dưỡng, trên nạn nhân của stress. Nói rõ hơn, nhiều người không hề bị chấn thương mà vẫn bị xơ não hay thậm chí teo não chỉ vì đồng hành với stress!

Chỉ cần thiền định 10 phút mỗi ngày đã đủ để cải thiện 30% trí nhớ.

Nhớ dai nhờ vừa nhớ vừa cười

Theo các chuyên gia khoa thần kinh ở ĐH Boston, nội tiết tố endorphin, chất gây cảm giác lạc quan, yêu đời, yêu nghề, yêu mình, yêu luôn điều đáng ghét, là hoạt chất có tác dụng đối kháng với adrenalin. Đừng tưởng tín hiệu càng gay cấn càng dễ chen chân vào trí nhớ. Ngược lại mới đúng! Cảm giác càng nhẹ nhàng, càng gây thoải mái khi cảm nhận tín hiệu càng dễ vượt qua rào cản do chính bộ não giăng mắc khắp nơi để lọt vào bộ nhớ suốt đời. Chỉ cần ít tiếng cười hả hê đã thừa công hiệu hơn trăm viên thuốc gọi là bổ não. Ngược lại, uống thuốc bao nhiêu cũng bằng không nếu gia chủ lúc nào cũng nhíu mày trợn mắt. Cũng chính vì thế mà muốn thù dai phải tập tha thứ để về sau khỏi nghiến răng mà vẫn nhớ mãi không quên.

Hay dở tùy liều lượng

Nhưng không hẳn đúng nếu nhắm mắt đổ thừa cho tuyến thượng thận vì đã cung cấp quá nhiều nội tiết tố khiến người quên trước quên sau… Cũng như dùng thuốc, vấn đề chính là ở chỗ liều lượng. Các nhà nghiên cứu ở ĐH Bremen, CHLB Đức đã chứng minh là adrenalin và corticosteroid, nếu ở liều vừa phải, thậm chí không hại mà còn có tác dụng kích thích khả năng tư duy. Nói cách khác, chút stress chính là biện pháp giúp bộ não giữ được phong độ như mong muốn.

Nhờ vận động giúp động não

Đừng tưởng ngồi yên thì khỏe óc. Chính các trò chơi đòi hỏi phải động não như điền ô chữ, đoán đoạn cuối chuyện trinh thám, học ngoại ngữ... là biện pháp nghe qua đơn giản nhưng hữu hiệu để bộ não đừng ngủ quên rồi ngủ luôn. Thêm vào đó, không đến độ quá phức tạp để bộ nhớ đừng ngưng hoạt động. Đánh dấu đoạn quan trọng trên trang sách hay văn bản bằng màu vàng, màu cam, tập trung cố nhớ vài câu quảng cáo hay tin tóm lược lướt nhanh trên màn ảnh máy truyền hình, nhẩm thuộc lòng vài số điện thoại... là phương pháp thổi nhẹ luồng sinh khí vào bộ não đang muốn nghỉ việc.

Không thực khó vực được đạo

Cũng từa tựa như chuyện trả lương. Muốn não làm việc đừng quên tiếp hơi cho não với chế độ dinh dưỡng cần thiết cho quy trình dẫn truyền và lưu trữ tín hiệu thần kinh. Chất béo 3-Omega trong cá biển, trong cá ba sa, sinh tố B1 trong gạo lức muối mè, hoạt chất tăng dưỡng khí não bộ từ cây thuốc..., tất cả đều là trợ thủ đắc lực để kỷ niệm như dán keo vào ký ức. Ngược lại, muốn “tẩy não” có khó gì đâu khi rượu bia, thuốc lá, cà phê, dược phẩm an thần và thậm chí ma túy là món hàng không khó kiếm!

Ngậm đắng nuốt cay thế nào!

Xem thường chức năng tư duy của người lớn tuổi là một quan điểm nặng phần định kiến. Tệ hơn nữa là cái nhìn theo kiểu đợi già mới hoạt huyết dưỡng não. Trên thực tế, bộ não không mau già như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại là khác, nhiều bộ não chắc chắn hãy còn rất trẻ cho dù tuổi đời chồng chất. Xét về mặt chiến thuật thì kỹ thuật động não chẳng khác nào thuật dùng người. Biết tạo cơ hội trong tình huống bế tắc và hiểu cách tận dụng cơ hội, dù chỉ mong manh, chính là bí quyết để huy động tiềm năng bỏ sót đâu đó. Đáng tiếc là chỉ vì stress, một nguyên nhân oan uổng mà nhiều bộ não đành chịu về già quá sớm. Cố gắng đánh nhưng vẫn thua vì lực bất tòng tâm, thua tuy có buồn nhưng không có gì đáng trách. Tệ hơn nhiều là khi chưa đánh đã thua, thua quá đậm, thua quá sớm ngay trên sân nhà!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm