Chưa đến tuổi hưu, chỉ rút được BHXH một lần 8%?

(PLO)-  Trước đề xuất người lao động chưa đến tuổi hưu chỉ được nhận BHXH một lần với mức 8% thay vì 22% như hiện nay, BHXH Việt Nam cho biết đang nghiên cứu các phương án, làm sao đảm bảo an sinh lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, tại hội nghị thông tin về hoạt động Quỹ BHXH, những vấn đề nóng như việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm mức nhận BHXH một lần, phương án trả lại người nhà bệnh nhân tiền mua thuốc trong thời điểm bệnh viện (BV) thiếu thuốc được đặt ra.

Giữ lại phần BHXH người sử dụng lao động đóng

Tại hội nghị, báoPháp Luật TP.HCM hỏi quan điểm của BHXH Việt Nam về đề xuất người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu (còn trẻ) nếu muốn nhận BHXH một lần sẽ chỉ được rút 8% phần mình đóng vào Quỹ BHXH, còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ, thay vì nhận 22% như quy định hiện nay.

Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hiện Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì sửa Luật BHXH. Phương án trên là một trong nhiều phương án do các chuyên gia trong tổ soạn thảo đề xuất.

Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM làm những thủ tục liên quan đến BHXH. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM làm những thủ tục liên quan đến BHXH.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Theo lý giải của các chuyên gia, đa số quốc gia trên thế giới không cho phép NLĐ rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của NLĐ khi về già. Cạnh đó, phần doanh nghiệp đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, khi xã hội tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đó có nghĩa là xã hội đóng phần đó và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Thế nên mới có chuyện “phần xã hội đóng” thì sẽ giữ lại.

Để giảm tình trạng nhận BHXH một lần, ông Sơn cho rằng với vai trò là thành viên tổ soạn thảo, ngành sẽ nghiên cứu và đề xuất một số phương án mới nhằm đưa vào dự luật với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài. “Cạnh đó, trợ giúp NLĐ gặp khó khăn về kinh tế khi họ quyết định rời thị trường lao động mà không phải nhận BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh khi về già…” - ông Sơn nói.

Mua thuốc bên ngoài có được thanh toán?

Trả lời câu hỏi của báo chí về phương án trả lại tiền cho người nhà bệnh nhân khi BV thiếu thuốc, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), cho biết việc người nhà bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ là trường hợp bất khả kháng do BV thiếu thuốc.

Việc này cũng đặt người nhà bệnh nhân vào cảnh mất tiền, vì có nhiều loại thuốc giá cao và chất lượng thuốc liệu có đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng việc trả lại tiền cho người nhà bệnh nhân đã mua thuốc trong thời gian BV thiếu thuốc cũng gặp một số khó khăn về thủ tục. Do vậy, BHXH đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin hướng dẫn và hiện vẫn đang chờ.

Dù vậy, ông Phúc cũng dự báo việc thanh toán tiền cho người nhà bệnh nhân phải trải qua nhiều bước. Chẳng hạn như ngành bảo hiểm phải lật lại hồ sơ bệnh án để xem bệnh nhân này có được bác sĩ chỉ định loại thuốc đã mua không. Người nhà bệnh nhân mua có hóa đơn, chứng từ không… “Việc giám định chặt chẽ sẽ giúp tránh trục lợi quỹ” - ông Phúc nói.

Lo ngại bội chi nếu không có định mức thanh toán BHYT

Về việc một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được BHXH thanh toán theo Nghị định 146 (hướng dẫn thi hành Luật BHYT) do bội chi so với định mức được giao, ông Phúc cho biết thời gian qua có một số ý kiến cho rằng phải sửa quy định này để thanh toán việc bội chi của BV. Tuy nhiên, ông Phúc khẳng định các BV hiện vẫn phải thực hiện việc quyết toán chi phí theo Nghị định 146.

Theo ông Phúc, nguồn quỹ có hạn, mỗi năm Quỹ BHYT chỉ thu được trên 100.000 tỉ đồng nên không thể chi và chỉ định loại thuốc gì cũng được. Vì vậy, Nhà nước mới đặt ra một hạn mức để hài hòa.

“Hiện nay, kể cả các nước giàu như Nhật Bản, Đức, gần ta nhất là Thái Lan hằng năm họ cũng phải tính toán hạn mức điều trị cho gần 70 triệu người tham gia BHYT…” - ông Phúc nói.

Ông Phúc dẫn chứng thêm trong quá trình hình thành hệ thống BHYT đã từng xảy ra tình trạng nhiều tỉnh bội chi do không áp dụng hạn mức dự toán nào. Sau đó, quỹ không có tiền để bù vào, ngân sách địa phương phải hỗ trợ.

Đến năm 1998, Bộ Y tế đưa ra trần thanh toán nên quỹ ổn định cho đến năm 2005. Sau đó có quy định bỏ mức quy định trần, lập tức Quỹ BHYT bội chi 3.000 tỉ đồng, ngành bảo hiểm phải vay Quỹ BHXH để trả.

Từ thực tế trên, ông Phúc cho rằng cần phải có định mức đối với các địa phương. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chi vượt định mức phải giải trình, thuyết minh, nếu hợp lý sẽ được chấp nhận.

“Việc chúng tôi khoán cho từng địa phương tất nhiên phải đảm bảo rằng các cơ sở phải sống được nhưng nếu chi không hợp lý sẽ không được thanh toán…” - ông Phúc khẳng định.•

Vì sao khó khởi tố tội trốn đóng BHXH?

Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM về nguyên nhân đến nay chưa khởi tố vụ án hình sự nào liên quan đến tội trốn đóng BHXH, ông Lê Hùng Sơn cho biết thời gian qua cơ quan BHXH các cấp đã có 353 kiến nghị khởi tố về tội danh trốn đóng BHXH theo Điều 216 BLHS nhưng đến nay chưa có vụ nào được đưa ra xét xử.

Nguyên nhân do Điều 216 BLHS yêu cầu chủ thể tội phạm phải gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để trốn đóng BHXH, BHYT... Vì vậy tới đây, BHXH và Bộ Công an sẽ phối hợp để xác định lại chủ thể và hành vi phạm tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm