Chưa đủ bằng chứng kết tội ông Mubarak

Đêm 5-9, phiên tòa thứ ba xét xử cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, 83 tuổi tại Học viện Cảnh sát ở Cairo đã kết thúc. Mục đích phiên tòa nhằm xác định xem Bộ Nội vụ ra lệnh bắn vào đám đông biểu tình hay ông Mubarak có liên quan.

Tòa kết luận bốn nhân chứng được triệu tập (bốn cảnh sát làm việc tại trung tâm chỉ huy cảnh sát) không trưng ra được bằng chứng buộc tội ông Mubarak có liên quan và quyết định sẽ tiếp tục xét xử vào ngày 7-9 tới.

Cựu Tổng thống Hosni Mubarak được máy bay trực thăng đưa đến tòa sáng 5-9. Sau đó, ông được chuyển bằng băng ca vào phòng xử án.

Bên ngoài phiên tòa, phe ủng hộ ông Mubarak hô khẩu hiệu: “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi ông” trong khi phe chống đối ông gào lên: “Trừng phạt! Trừng phạt! Họ đã bắn chết con cái chúng tôi”.

Hai phe ném đá và xô xát với nhau. Gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong biểu tình cũng xô đẩy hàng rào cảnh sát để tìm cách vào phòng xử án. Cảnh sát chống bạo động phải can thiệp. 10 người bị thương. Bốn người manh động bị bắt giữ.

Phe chống đối ông Mubarak xung đột với cảnh sát chống bạo động bên ngoài phiên tòa ngày 5-9 tại Cairo (Ai Cập). Ảnh: AP

Không khí bên trong phiên tòa cũng nóng không kém. Đầu phiên tòa, một luật sư bào chữa cho ông Mubarak giương cao bức ảnh thân chủ. Thẩm phán đã yêu cầu luật sư rời khỏi phòng. Phiên tòa tạm ngưng hơn 1 tiếng. Sau đó, các thẩm phán và bên nguyên tranh luận rất căng thẳng. Tòa phải hoãn hai lần.

Trong các nhân chứng then chốt có tướng Hussein Saeed Mohamed Mursi chỉ huy bộ phận thông tin của lực lượng chống bạo động. Trước tòa, tướng Mursi khai ngày 28-1, tức ba ngày sau khi biểu tình bùng nổ, ông biết hai sĩ quan cảnh sát cấp tướng có nói chuyện về việc vận chuyển súng đạn cho lực lượng bảo vệ trụ sở Bộ Nội vụ.

Ông cũng biết các chỉ huy cảnh sát có bàn sử dụng xe cứu thương chuyển súng đạn vì xe cảnh sát đã bị người biểu tình tấn công và có nghe nói số vũ khí này đã được sử dụng. Lúc đầu ông khai trước tòa ông không biết có chỉ thị chính thức cho phép nổ súng hay không. Tuy nhiên, sau khi tòa nghỉ giải lao, ông khai rõ tướng Ahmed Ramzi chỉ huy lực lượng chống bạo động đã chỉ thị phải sử dụng vũ khí để bảo vệ Bộ Nội vụ và đối phó với người biểu tình. Tòa hỏi đó là các loại vũ khí nào, ông trả lời đó là đạn cao su và vũ khí tự động. Ông nói thêm một đơn vị đặc nhiệm (thường trang bị súng bắn đạn thật) đóng chốt gần trụ sở đảng Dân chủ Quốc gia đã nhận được lệnh phải đối phó với người biểu tình bằng biện pháp thích hợp nhất.

Tóm lại, tướng Mursi không khẳng định Tổng thống Mubarak hay Bộ trưởng Nội vụ Habib El-Adly đã ra lệnh nổ súng. Trong khi đó, hồi tháng 5, cựu Phó Tổng thống Omar Suleiman khẳng định ông Mubarak biết rõ từng viên đạn bắn ra.

Trong phiên tòa đầu tiên ngày 3-8, cựu Tổng thống Hosni Mubarak bác bỏ tất cả cáo buộc. Tại phiên tòa thứ hai ngày 15-8, tòa quyết định hoãn đến ngày 5-9 với lý do chấp nhận đưa ông Mubarak và cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib El-Adly xử chung. Tòa cũng thông báo từ phiên xử tới tòa sẽ xử kín, không cho đài truyền hình phát trực tiếp để bảo vệ các nhân chứng.

Biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Mubarak (thường được gọi là “cuộc cách mạng sông Nil”) bắt đầu từ ngày 25-1. Ông Mubarak từ chức ngày 11-2 sau 30 năm cầm quyền. Hồi tháng 4, ông nhập viện vì bệnh tim và huyết áp. Từ ngày 3-8, ông ở tại Trung tâm Y khoa Quốc tế gần Cairo để chờ ra tòa. Ông bị truy tố về các tội tham nhũng, tham ô công quỹ và giết người. Theo số liệu chính thức có 840 người chết trong biểu tình.

DẠ THẢO (Theo AFP, AP, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới