Ngày 22-11, TAND TP.HCM xử phúc thẩm một vụ ly hôn, trong đó gắn liền với yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Vấn đề tưởng đơn giản nhưng tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại có quan điểm trái ngược nhau khi áp dụng pháp luật.
Sơ thẩm: Cấp dưỡng cả trước khi ly hôn
Ông TVN và bà NTDH kết hôn năm 1993, có hai con chung, người con lớn đã trưởng thành, người con nhỏ sinh năm 1994. Năm 2006, ông N. bỏ nhà đi, hai người sống ly thân cho đến nay.
Nhận thấy tình cảm không còn hàn gắn được, ông N. nộp đơn yêu cầu được ly hôn. Ông đồng ý giao người con nhỏ cho bà H. tiếp tục nuôi dưỡng, ông sẽ cấp dưỡng 3 triệu đồng/tháng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi cháu H. trưởng thành.
Bà H. đồng ý ly hôn nhưng có yêu cầu phản tố. Theo bà H., ông bà có tài sản chung 500 triệu đồng, số tiền này ông N. đã cạy tủ lấy đi năm 2006, nay bà yêu cầu ông trả lại 250 triệu đồng. Ngoài ra, bà H. cũng yêu cầu ông N. cấp dưỡng đứa con nhỏ 3 triệu đồng/tháng từ khi ông bỏ đi đến khi cháu H. đủ 18 tuổi. Tổng số tiền cấp dưỡng là 403 triệu đồng và phải trả một lần.
Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2016, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM dẫn Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên… trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi con”. Ông N. xác nhận trong quá trình ly thân, ông vẫn cấp dưỡng cho hai con nhưng đến năm 2012 do bà H. không cho hai con liên hệ với ông nên ông ngưng cấp dưỡng.
Để bảo đảm cho con có đủ điều kiện tốt nhất để học hành và phát triển, cũng để bù đắp một phần thiếu thốn trong thời gian ông N. ngừng cấp dưỡng, tòa buộc ông N. cấp dưỡng nuôi con 3 triệu đồng/tháng. Tính từ tháng 1-2013 đến tháng 8-2016 là 43 tháng, tổng cộng là 129 triệu đồng và phải cấp dưỡng một lần sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Tiếp đó, ông N. còn phải cấp dưỡng mỗi tháng 3 triệu đồng cho đến khi đứa con đủ 18 tuổi. Về số tiền 500 triệu đồng đã lấy đi năm 2006, ông N. thừa nhận đây là tài sản chung nên phải trả lại 250 triệu đồng.
Phúc thẩm: Chỉ cấp dưỡng khi đã ly hôn
Ông N. kháng cáo, yêu cầu được trả dần số tiền 250 triệu đồng và yêu cầu xem xét lại tiền cấp dưỡng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22-11, bà H. đề nghị tăng tiền cấp dưỡng 10-20 triệu đồng/tháng, thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 8-2016 (thời điểm xử sơ thẩm) đến tháng 10-2016, lúc đứa con đã đủ 18 tuổi.
Đại diện VKS cho rằng vấn đề cấp dưỡng chỉ đặt ra sau khi ly hôn nên đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm.
Cuối cùng, HĐXX bác yêu cầu kháng cáo xin trả dần số tiền 250 triệu đồng của ông N. Về tiền cấp dưỡng, HĐXX nhận định việc cấp dưỡng chỉ được xét kể từ khi giải quyết việc giao con cho ai nuôi. Tòa án sơ thẩm xem xét việc cấp dưỡng trước khi vợ chồng chưa ly hôn là không đúng quy định pháp luật. Đến ngày 26-10-2016, đứa con đã đủ 18 tuổi nên việc cấp dưỡng chỉ được tính ba tháng, tức từ tháng 8-2016 đến tháng 10-2016.
Xét điều kiện, hoàn cảnh nuôi con và trách nhiệm của ông N. từ khi bỏ đi đến nay, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của bà H., tăng số tiền cấp dưỡng từ 3 triệu đồng lên 15 triệu đồng/tháng (ba tháng là 45 triệu đồng).
Cấp dưỡng khi không sống chung với con
Rõ ràng trong vụ này đã có hai cách hiểu trái ngược nhau. Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm xem xét việc cấp dưỡng trước khi vợ chồng chưa ly hôn là không đúng quy định pháp luật nhưng lại không nói rõ đó là quy định nào, trong luật nào.
Cấp phúc thẩm lập luận việc cấp dưỡng chỉ được xét kể từ khi giải quyết việc giao con cho ai nuôi, tức lúc xử ly hôn. Lập luận này thoạt nghe thì có vẻ hợp lý, bởi thực tế hầu như chẳng có ai yêu cầu tòa giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con khi chưa ly hôn.
Tuy nhiên, theo Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình thì việc cấp dưỡng được đặt ra trong trường hợp cha, mẹ không sống chung với con. Điều luật này không hề giới hạn chỉ cấp dưỡng khi đã ly hôn. Vì vậy, lập luận của tòa sơ thẩm trong trường hợp này thuyết phục hơn nhiều. Bởi về nguyên tắc, luật không quy định rõ thì cơ quan áp dụng không có quyền suy diễn theo hướng chỉ đi vào “cửa hẹp” để cho rằng chỉ cấp dưỡng khi đã ly hôn.
Chưa ly hôn vẫn phải cấp dưỡng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã dành một chương quy định về việc cấp dưỡng. Khoản 24 Điều 3 luật này quy định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên…”. Điều 110 luật này quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên (…) trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. Không sống chung với con phải được hiểu là trong thời kỳ hôn nhân nhưng cha mẹ vì một lý do nào đó mà không ở cùng với con, không trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con hoặc không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ được đặt ra sau khi cha mẹ ly hôn mà ngay cả trong trường hợp chưa ly hôn nhưng cha hoặc mẹ không sống chung với con (hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con). Luật sư NGUYỄN ĐỨC THẮNG Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM |