Theo hồ sơ, năm 2014, chị Thúy kết hôn với anh THP và có được một cháu trai. Sau đó, vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng nên chị Thúy xin ly hôn. Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7-2015 của TAND TP Long Xuyên, chị Thúy yêu cầu được nuôi con do cháu còn quá nhỏ, cần sự chăm sóc của mẹ, chị cũng có nghề trang điểm, thu nhập ổn định. Anh P. cũng giành nuôi con vì cho rằng trong thời gian hai người ly thân, anh và gia đình đã chăm sóc cháu, anh là công nhân nên cũng có thu nhập ổn định.
Theo TAND TP Long Xuyên, cháu bé mới 12 tháng tuổi. Anh P. không chứng minh được là chị Thúy không có đủ điều kiện nuôi con. Vì thế ngoài việc tòa chấp nhận cho hai người ly hôn, tòa còn căn cứ vào khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cho chị Thúy được quyền nuôi con. Hằng tháng anh P. phải cấp dưỡng nuôi con gần 600.000 đồng.
Anh P. kháng cáo. Gần đây, TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm lại cho rằng anh P. đã nuôi con ổn định hơn bốn tháng. Chị Thúy không có gì chứng minh anh P. không đủ điều kiện nuôi con... nên sửa án sơ thẩm, giao quyền nuôi con cho anh P.
“Tôi không giành con được với nhà chồng mới nhờ đến tòa. Tòa lại tuyên như thế thì ai còn dám trông chờ vào công lý nữa. Giá như tôi bị bệnh tật, thất nghiệp, không có thu nhập thì tôi cũng chấp nhận. Tôi chẳng hiểu tòa nghĩ sao mà lại tuyên như thế” - chị Thúy bức xúc.
Về mặt pháp lý, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết nếu chị Thúy và anh P. không thỏa thuận được ai nuôi con thì theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ nuôi dưỡng. Tòa chỉ được giao con dưới 36 tháng tuổi cho cha khi nào mẹ không đủ điều kiện nuôi con như bị bệnh tâm thần, nghiện ngập, có hành vi gây tổn hại cho con... “Sở dĩ nhà làm luật quy định như vậy bởi ở độ tuổi dưới 36 tháng, trẻ cần mẹ hơn cha. Trong trường hợp này, chị Thúy nên làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm” - TS Tiến nói.