Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu tỉnh Bình Dương tiếp thu ý kiến của các bộ về phương án đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Cụ thể, Bình Dương cần cùng Bình Phước là địa phương có đường cao tốc đi qua làm rõ cơ sở pháp lý cũng như phương án tách hơn 7km thành dự án độc lập, sử dụng vốn đầu tư công và để Bình Phước làm chủ quản đầu tư.
Các địa phương cần rà soát chi phí đầu tư đảm bảo tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 50%, đồng thời xác định nguồn vốn còn thiếu của các dự án thành phần. Phối hợp với Bộ GTVT để thống nhất sự phù hợp của dự án với quy hoạch mạng lưới đường bộ được Thủ tướng phê duyệt vào giữa năm 2021.
Theo nghiên cứu trước đây của Bộ GTVT, dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành gồm có: đoạn tuyến nối cao tốc dài 8,6km từ nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM) đến nút giao An Phú (vành đai 3 tỉnh Bình Dương); đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).
Tổng chiều dài dự án là 68,7km, với 1,7km qua TP.HCM, 60km qua Bình Dương và hơn 7km qua tỉnh Bình Phước.
Tháng 4-2022, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai toàn bộ dự án theo hình thức PPP, thay vì để Bộ GTVT làm.
Sau đó, Bình Phước đề xuất tách hơn 7 km qua tỉnh mình thành dự án độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công. Mục đích tạo điều kiện thuận tiện kêu gọi nhà đầu tư triển khai các đoạn còn lại theo hình thức PPP.
Hiện Bình Dương và Bình Phước đang phối hợp với Bộ KH&ĐT đánh giá khả năng cân đối vốn ngân sách của các địa phương và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện theo phương án đề xuất nêu trên.