Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói dự luật có quy định về công khai báo cáo kiểm toán nhưng chưa cụ thể về thời hạn công khai báo cáo kiểm toán; căn cứ để kiểm toán vào cuộc.
Còn đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì cho rằng đối tượng kiểm toán tại dự luật cũng quá chung chung, chưa cụ thể những đối tượng sử dụng hay liên quan tài sản công. “Nếu mở rộng thêm đối tượng này, cần quy định cụ thể đến đối tượng có liên quan và không thuộc đối tượng kiểm toán toàn diện” - đại biểu Tuyết đề nghị.
Các đại biểu ở Bình Dương, Đắk Nông… thì băn khoăn về quy định cho phép kiểm toán được quyền truy cập cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia và dữ liệu điện tử của đối tượng kiểm toán và các tổ chức, cá nhân liên quan đối tượng được kiểm toán. “Vấn đề đặt ra là kiểm toán có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu các ngành khác như ngành thuế hay doanh nghiệp nước ngoài? Như vậy có đúng không khi mà đối tượng kiểm toán có kế hoạch kiểm toán, còn những đối tượng liên quan không chủ động được, không biết trước, vậy có nguy cơ dẫn tới trùng lặp hoạt động thanh tra” - đại biểu tỉnh Bình Dương nêu…
Giải trình với Quốc hội, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói: Luật KTNN năm 2015 có nói đến các tổ chức, cá nhân liên quan đến đối tượng kiểm toán nhưng chưa nói rõ nên thực hiện luật gặp khó khăn và KTNN đề nghị xác định rõ vấn đề này.
“Chúng tôi kiểm toán một doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp đó có chuyển tiền cho một doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc có hoạt động liên doanh với một doanh nghiệp ngoài nhà nước thì yêu cầu đối chiếu và kiểm tra làm rõ. KTNN muốn kiểm tra một đơn vị ngoài nhà nước tự dưng đến kiểm tra thì không được” - ông Phớc nêu.
Về vấn đề truy cập dữ liệu điện tử, ông Phớc nói: “Trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo xu thế hiện nay thì các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp đều sử dụng dữ liệu điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử và báo cáo điện tử. Điều đó có nghĩa KTNN bắt buộc phải theo kịp với xu thế”.
Theo ông Phớc, khi KTNN muốn truy cập vào dữ liệu điện tử một cơ quan, tổ chức thì phải được cơ quan, tổ chức đó đồng ý cung cấp tài khoản cho thì mới vào được. “Phải thống nhất về phạm vi, nội dung, giới hạn truy cập, có nghĩa họ cho mình đến đâu thì mình mới truy cập đến đấy chứ không phải mình truy cập được tất cả” - ông Phớc giải thích và nói KTNN phải chịu trách nhiệm về việc này.
Ông Phớc còn cho hay: Hiện nay, khi hoàn thành các cuộc kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán, KTNN đều gửi báo cáo kiểm toán đó đến cho thường trực HĐND và gửi thông báo ngắn gọn cho bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND.
“Còn KTNN khu vực có báo cáo trước HĐND hay không, chúng tôi sẽ nghiên cứu vì việc này còn liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác” - ông Phớc nói và xin tiếp thu tối đa các ý kiến khác.