Chưa rõ “vai” của Tập đoàn Dầu khí trong Luật Dầu khí sửa đổi

(PLO)-  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần quy định chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch địa vị pháp lý, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- PVN để tránh xung đột lợi ích.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-4, tại phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều, giải quyết sáu nhóm chính sách.

Đáng chú ý, theo điều 8 dự thảo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước, được tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí.

Điều lệ và tổ chức hoạt động của PVN do Chính phủ quy định. Ngoài ra, dự thảo cũng dành ba điều luật quy định về quyền, nghĩa vụ của PVN và trách nhiệm của Hội đồng thành viên PVN từ điều 46-48.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Nhận xét, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng “vai” của PVN thế nào, dự thảo không nói rõ. “Dự án luật này còn lúng túng, chưa làm rõ địa vị, vai trò pháp lý của PVN”- Chủ tịch Quốc hội nói và nêu vấn đề: PVN một “vai” là Công ty Dầu quốc gia, có còn tham gia quản lý nhà nước không? Tham mưu và quản lý nhà nước đến đâu?...

Ông yêu cầu cần phải quy định rất chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch địa vị pháp lý, vai trò của PVN trong các điều luật để tránh xung đột lợi ích. “Một vai tham gia một phần quản lý nhà nước, tham mưu, thay mặt Nhà nước, có nhiều việc PVN thay mặt Nhà nước ký hợp đồng. Vai thứ hai là một nhà thầu, một doanh nghiệp, cũng hoạt động theo luật này thì địa vị pháp lý như thế nào và phân tách phạm vi quản lý nhà nước”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết Tập đoàn cũng mong muốn địa vị pháp lý của mình phải “rất rõ và cụ thể”. Theo ông Hùng, thông lệ quốc tế có hai mô hình công ty dầu khí. Thứ nhất là mô hình công ty dầu khí quốc gia, mục tiêu chiến lược của công ty là mục tiêu chiến lược của Nhà nước, không chỉ là hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Mô hình này phù hợp với vị trí, vai trò cũng như thực tiễn hoạt động của PVN. Mô hình thứ hai là công ty dầu khí quốc tế, mục tiêu là kinh doanh.

Ông Hùng đề nghị nên quy định rõ tại điều 8: PVN là Công ty Dầu khí quốc gia, bởi Tập đoàn vẫn là tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp các hoạt động về dầu khí và trình các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu về tính cấp thiết phải sửa Luật này. “Nó vướng quá mất rồi, vướng đến mức độ mấy năm không có một hợp đồng nào mới và thật sự nó không còn đủ hấp dẫn. Dầu khí không còn thời hoàng kim như cách đây 5, 10 năm”- ông Diên nói.

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, thế giới đang đứt gãy rất nhiều nguồn cung. Lúc này, ta khẩn trương gỡ một số việc khó để nâng năng lực khai thác về dầu và khí sẽ giúp cho nguồn cung trong bối cảnh thế giới hỗn loạn..

“Sửa lần này chỉ nhằm vào gỡ một vài việc khó để giải quyết một vài vấn đề”- ông Diên nói và cho rằng nếu sửa căn bản luật này sẽ phải cần nhiều thời gian hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm