Liên quan khoản tiền 50 triệu USD mà tổng thầu Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam thanh toán trước khi bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sáng nay, 2-6, Bộ GTVT đã phát đi thông cáo báo chí.
Theo đó, dự án sử dụng vốn ODA của Trung Quốc này đến nay đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng và lắp đặt thiết bị. Công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa một số thiết bị, chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống. Song song với đó là việc hoàn thiện hồ sơ hoàn công để nghiệm thu, bàn giao dự án.
Dự án đang gặp khó khăn vì nhân sự của Tổng thầu chưa qua Việt Nam vì dịch COVID-19. Ảnh: V.LONG
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay nhân sự của tổng thầu Trung Quốc cũng như tư vấn đánh giá an toàn hệ thống của hãng ACT, Pháp, vẫn chưa sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại.
Để tháo gỡ các khó khăn, Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với tổng thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết từng vấn đề cụ thể của dự án.
Qua báo cáo của Ban Quản lý dự án, tại cuộc họp trực tuyến ngày 12-5, ông Tiêu Vu Thái, Tổng Giám đốc Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, bên tổng thầu EPC dự án, đã nêu một số khó khăn, trong đó có khoản thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ.
Theo đó, tổng thầu kiến nghị phía Việt Nam thanh toán 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án.
Số tiền này để trả cho phần công việc mà tổng thầu đã hoàn thiện, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng. “Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%...”, thông cáo báo chí nêu.
Qua trao đổi, Ban Quản lý dự án ghi nhận khó khăn về tài chính của tổng thầu, tuy nhiên cho rằng đề nghị thanh toán này chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng EPC và các phụ lục đã ký...
“Hiện nay, Bộ GTVT đang tích cực phối hợp UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn đề thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của tổng thầu và các đơn vị tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành dự án...”, thông cáo báo chí viết.
Sử dụng vốn vay Chính phủ Trung Quốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10-2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỉ đồng (tương đương 868 triệu USD). Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. |