Nguy cơ 'đổ vỡ' công tác vận hành thử dự án Cát Linh - Hà Đông

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa ký văn bản gửi các bộ: Công an, Y tế, Ngoại giao về việc nhiều chuyên gia dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông bị kẹt ở Trung Quốc do dịch virus Corona (nCoV).

Theo đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do tổng thầu EPC là Công ty HH tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc và tư vấn, giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện.

Đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa "chốt" được ngày chính thức khai thác thương mại. Ảnh: V.LONG

Từ tháng 1-2020, tổng thầu EPC và tư vấn, giám sát cho các nhân sự (gồm kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật, khoảng 80 người) về Trung Quốc để nghỉ tết Nguyên đán và dự kiến trở lại Việt Nam từ ngày 1-2.

Ngoài ra, theo kế hoạch dự kiến trong tháng 2-2020, dự án sẽ thực hiện công tác vận hành thử và huy động các chuyên gia vận hành của Công ty Metro Thâm Quyến để thực hiện.

Tuy nhiên, theo báo cáo của tổng thầu và tư vấn, giám sát, hiện tại chính phủ Trung Quốc quy định hạn chế xuất cảnh đối với công dân Trung Quốc đi các nước do dịch nCoV. Vì vậy, tổng thầu và tư vấn, giám sát xin lùi lịch sang Việt Nam (dự kiến sau ngày 8-2) để tiếp tục thực hiện dự án.

“Do hiện nay dịch nCoV đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về phòng, chống dịch bệnh. Để đảm bảo tiến độ dự án, đề nghị các bộ có ý kiến về việc các nhân sự tổng thầu EPC và tư vấn, giám sát quay lại Việt Nam tại thời điểm hiện nay.

Đồng thời, có hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh, quy trình khi nhập cảnh vào Việt Nam (cách ly, giám sát, theo dõi...) đối với các nhân sự Trung Quốc, nếu quay trở lại Việt Nam thực hiện dự án…” - Bộ GTVT đề nghị.

Đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng. Quá trình vận hành thử toàn hệ thống (khoảng 20 ngày), tổng thầu chịu trách nhiệm thực hiện theo đề cương vận hành thử để đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Vì vậy, nếu hệ thống không đảm bảo an toàn, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ không đủ điều kiện để nghiệm thu đưa vào khai thác thương mại.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008 với tổng vốn gần 8.800 tỉ đồng (khoảng 553 triệu USD). Trong đó 400 triệu USD là vốn vay Trung Quốc, theo hiệp định được ký kết giữa chính phủ hai nước.

Tổng mức đầu tư sau đó được điều chỉnh lên trên 18.000 tỉ đồng (868 triệu USD) vào năm 2016, trong đó phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm hơn 7.220 tỉ đồng, lên mức gần 13.900 tỉ đồng (669,6 triệu USD).

Hiện dự án vẫn còn vướng mắc ở khâu nghiệm thu và chưa biết ngày nào mới có thể đưa vào khai thác thương mại, dù đã lùi thời hạn về đích nhiều lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm