Nếu tưởng giấc ngủ là giai đoạn chỉ để nghỉ ngơi thì lầm! Theo chuyên gia ở hai ĐH Bremen và Stuttgart, nơi giấc ngủ được mổ xẻ chi li trong các phòng thí nghiệm hiện đại, khoảng thời gian yên bình lúc chợp mắt quên đời là một tiến trình đa dạng và sinh động vô cùng. Bằng chứng là kháng thể được tổng hợp nhiều hơn sau một đêm ngon giấc nếu đối chiếu với nhóm trằn trọc suốt đêm. Thậm chí men gan cũng giảm thấy rõ ở đối tượng đang được điều trị viêm gan nếu số bệnh nhân này đặt lưng là thẳng giấc. Hệ thống miễn dịch hoạt động hữu hiệu hơn cả chất lẫn lượng khi cơ thể tạm ngưng các chức năng khác trong giấc ngủ.
Càng thiếu ngủ càng… phì!
Đi xa hơn nữa, thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở Đức cho thấy 2/3 số đối tượng béo phì là người tuy ngủ đủ giờ nhưng ngủ không sâu. Bằng chứng là đa số thiếu niên thức khuya xem truyền hình hay lên mạng càng lúc càng phì dù ăn chẳng bao nhiêu!
Máu vừa béo, vừa ngọt vì thiếu ngủ!
Không chỉ với chất béo, với chất đường cũng thế. Thầy thuốc điều trị bệnh tiểu đường đều biết “hội chứng sáng hôm sau”, qua đó đường huyết tăng cao vào buổi sáng sớm cho dù bệnh nhân nhịn đói suốt đêm chỉ vì người bệnh thao thức thâu canh. Ngược lại, đường huyết rõ ràng rất dễ ổn định ở người bệnh tiểu đường nhưng không mất ngủ. Mọi biện pháp dỗ giấc ngủ ngon cho người bệnh tiểu đường vì thế cũng quan trọng như viên thuốc hạ đường huyết.
Nếu không ngủ ngon mỗi đêm được tám tiếng thì chỉ cần sáu tiếng cũng đã thừa sức qua cầu.
Thuốc nào như thuốc… độc?
Chính vì không ngủ đêm nay sáng mai khó kéo cày nên thuốc ngủ là món hàng khỏi rao cũng bán hết trong cuộc sống “không căng thẳng không về”. Bằng chứng là theo tiếng kêu khản cổ của các hãng bảo hiểm ở châu Âu đang méo mặt vì gánh nặng chi phí y tế ngất trời, không dưới 1/3 cư dân bên đó đang từng đêm luân phiên nuốt… thuốc ngủ! Số khách hàng thân thiết của thuốc ngủ ở nước mình chắc chắn khó kém xứ người.
Nhiều người chắc chắn đã không vung tay quá trán với thuốc an thần nếu biết là:
- Tỉ lệ tai biến mạch máu não ở người quen dùng thuốc an thần cao gấp ba nếu so với người không lệ thuộc thuốc!
- Số trường hợp đau đầu kinh niên ở người dùng thuốc ngủ cao gấp bốn lần số người không cần thuốc!
- Tỉ lệ tử vong ở người nhồi máu cơ tim trước đó thường dùng thuốc an thần cao gấp đôi số nạn nhân tuy cũng vào phòng cấp cứu nhưng ít khi uống thuốc ngủ!
Đừng tưởng viên thuốc là giải pháp!
Theo kết quả nghiên cứu hẳn hoi, là không dưới 1/3 trường hợp mất ngủ không nhất thiết phải dùng thuốc an thần loại hóa chất tổng hợp. Nạn nhân có thể tìm lại giấc ngủ tự nhiên, yên bình, khoan khoái khi thức dậy không mấy khó nếu kiên nhẫn áp dụng hoạt chất kháng ôxy hóa để bảo vệ và phục hồi tế bào não bộ, thay vì trấn áp hệ thần kinh bằng giấc ngủ vùi để rồi lệ thuộc thuốc an thần.
Thêm vào đó, nhiều người tìm thầy khắp nơi nhưng đêm nào cũng chỉ ngủ được ít tiếng rồi giật mình dù không bị ai đánh thức mà không ngờ là vì tác dụng phụ khó tránh của một số thuốc như thuốc hạ áp, bình suyển, lợi tiểu, ngừa thai, giảm đau, chống trầm cảm… Bệnh nhân vì thế nên bàn với thầy thuốc để đổi thuốc kịp thời, thay vì chấp nhận được này mất kia vì mất ngủ sớm muộn cũng kéo theo mất thêm nhiều thứ! Khéo hơn nữa là ưu tiên cho phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, ấn huyệt, tắm thuốc…, thay vì chọn ngay kiểu đánh nhanh, đánh mạnh, đánh càn bằng hóa chất tổng hợp. Ngay cả trong trường hợp chẳng đặng đừng, khéo hơn nhiều nếu ưu tiên cho dược thảo có công năng “nhiều trong 1”, vừa thư giãn thần kinh vừa cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong não, để qua đó ổn định hoạt động của trung khu vận hành giấc ngủ. Đó là lý do tại sao càng lúc càng có nhiều thầy thuốc tìm về hoạt chất sinh học như chất màu anthocyanin trong nếp than, gaba trong gạo mầm, để vừa thông mạch vừa cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong tế bào thần kinh.
Tâm không yên thì tim mau bệnh Mất ngủ theo kiểu nào cũng vậy, nạn nhân chắc chắn bần thần mệt mỏi khi thức giấc, cứ như đã không chợp mắt lại thêm kéo cày suốt đêm! Kết quả nghiên cứu ở Mỹ cho thấy người ngủ không đủ giờ, người ngủ xong vẫn còn thèm ngủ dễ bị bệnh tim mạch, nhất là cao huyết áp với tỉ lệ cao gấp bốn lần người đặt lưng là o o đến sáng bất kể xe tải có chạy rầm rầm suốt đêm ngay ngoài cửa. Không chỉ có bấy nhiêu. Đãng trí, trầm cảm, liệt dương không mời cũng đến vì là mất ngủ khiến suy giảm chức năng tư duy, dao động nội tiết tố, rối loạn biến dưỡng không hẹn cùng nhau gia tốc trong lúc gia chủ trao tráo chờ sáng. |