Trong danh sách này có các chủ doanh nghiệp của Samsung Electronics, LG, Hyundai Motor, SK, CJ, Hanwha, Hanjin và Lotte. Các chủ doanh nghiệp này đã từng tham dự cuộc họp riêng với Tổng thống Park Geun-hye về vận động tài trợ cho hai quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports năm ngoái. Dự kiến các chủ doanh nghiệp ra điều trần với ủy ban điều tra đặc biệt từ ngày 5-12.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin ngoài các chủ doanh nghiệp trên, các đảng cũng nhất trí phải lấy lời khai của 13 người khác. Có ý kiến đề nghị triệu tập bà Park làm nhân chứng nhưng đảng Saenuri cầm quyền phản đối.
Cùng ngày, nguồn tin từ cơ quan công tố cho biết cơ quan công tố vẫn muốn lấy lời khai trực tiếp đối với bà Park dù chưa biết khi nào cuộc điều tra do công tố viên độc lập thực hiện sẽ bắt đầu. Nguồn tin khẳng định cơ quan công tố sẽ tiếp tục triệu tập bà Park trong tương lai gần.
Chiều cùng ngày, ba đảng đối lập đã chính thức nhất trí bắt đầu quy trình bãi nhiệm tổng thống. Đề nghị bãi nhiệm phải được 2/3 số nghị sĩ (200/300 nghị sĩ) bỏ phiếu tán thành. Sau đó, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét hồ sơ trong 180 ngày. Hiện thời tổng số nghị sĩ độc lập và đối lập gồm 171 người, vậy phải tìm thêm tối thiểu 29 nghị sĩ của đảng cầm quyền Saenuri.
Với tình hình này, bà Choo Mi-ae, Chủ tịch đảng Minjoo đối lập, cho biết cần phải chuẩn bị kỹ càng. Đầu tiên là tham khảo ý kiến của các nghị sĩ đảng Saenuri không thân cận với tổng thống. Kế đến phải có sự nhất trí của Tòa án Hiến pháp. Bà cho rằng giải pháp tốt nhất là chính Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Các cuộc biểu tình (ảnh) vừa qua cũng đòi bà Park từ chức.