Năm 2006, dự án xây dựng cầu Hòa Viên được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt. Năm 2009, cầu chính thức được khởi công với chiều dài gần 190 m, rộng khoảng 8 m, tổng mức đầu tư gần 35 tỉ đồng. Đến tháng 7-2008, dự án được điều chỉnh một số hạng mục, nâng tổng mức đầu tư lên 47,5 tỉ đồng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, dự án được giao cho Ban quản lý dự án giao thông 2 (Sở GTVT TP Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Theo tiến độ đề ra, dự án được tiến hành trong thời gian 18 tháng. Thế nhưng trên thực tế, sau bảy năm triển khai, đến nay đơn vị thi công mới lắp đặt xong bốn nhịp dầm, bốn trụ và một mố cầu, tương đương 60% khối lượng công việc.
Do “đắp chiếu” nhiều năm, một số hạng mục của công trình có dấu hiệu xuống cấp. Cụ thể, nhiều vị trí thành cầu bê tông đã bị lở, trơ sắt thép khiến không ít người lo ngại liệu những hạng mục này có đảm bảo an toàn lượng khi thi công lại hay không.
Ông Lê Xuân Hùng - Trưởng ban dự án cầu Hòa Viên khẳng định: “Dầm bê tông có rêu mốc một chút, cấu thép chờ có hoen gỉ, khi thi công lại các đơn vị chuyên môn sẽ đánh bóng thép, đổ bê tông phần tai cầu. Do kết cấu này không phải trụ lực của công trình nên hoàn toàn có thể yên tâm, không ảnh hưởng đến chất lượng”.
Một vấn đề khác cũng khiến người dân bức xúc, đó là việc một số công nhân của đơn vị thi công đã lập chốt, lắp barie trên chiếc cầu tạm nối hai xã với nhau để thu phí. Dù đã có biển cấm "Công trường thi công, không nhiệm vụ miễn vào" nhưng các phương tiện ô tô, xe tải vẫn được lưu thông hằng ngày.
Các phương tiện là ô tô, xe tải muốn đi qua sông bằng cầu tạm sẽ phải nộp phí 20.000-50.000 đồng/lượt. Ghi nhận thực tế, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, có tới hơn 20 lượt xe ô tô các loại đi qua chiếc cầu tạm này, vậy nhưng tất cả khoản thu này đều không hề có vé hay biên lai gì.
Lãnh đạo hai xã Hòa Chính và An Viên khẳng định việc quản lý cầu tạm là do chủ đầu tư và đơn vị thi công, việc thu phí hay không thì không thuộc thẩm quyền và xã cũng không biết.
Trong khi đó, Ban quản lý dự án 2 cho biết đã có văn bản và nhà thầu cũng cam kết giao cầu tạm cho địa phương quản lý. Việc này là cho đi nhờ chứ không kinh doanh hay thu phí gì cả, còn việc quản lý như thế nào thì hỏi thêm địa phương.
Ông Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Toàn Phát (đơn vị quản lý cầu tạm) cho biết cầu tạm này phục vụ thi công là chính, hiện có cho người dân trong khu vực lưu thông qua; công ty đã nhận được phản ánh và cũng quán triệt không thu phí. “Tuy nhiên, trên hiện trường không thể tránh khỏi anh em công nhân có đồng ra đồng vào. Chắc anh em cũng chỉ lấy 5.000 đến 10.000 đồng" (?).
Bảy năm nay, người dân tại hai xã Hòa Chính và Viên An vẫn phải “dài cổ” mong chờ dự án cầu Hòa Viên được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Không biết chừng nào họ mới được đi trên cây cầu chính thức và không phải đóng những khoản phí bất minh này.