Siêu dự án Công viên Sài Gòn Safari ‘đắp chiếu’

Trong một cuộc làm việc mới đây với huyện Củ Chi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp xử lý gấp nhằm tạo chuyển biến ở dự án Công viên Sài Gòn Safari đang “đắp chiếu” nhiều năm qua.

Thả trâu ở công viên triệu USD

Dự án Công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD. Dự án rộng 475 ha, ảnh hưởng đến hơn 700 hộ dân ở các xã Phú Mỹ Hưng và xã An Nhơn Tây (có hơn 370 hộ). Năm 2004, chính quyền địa phương đã bắt đầu việc bồi thường, thu hồi đất.

Theo ghi nhận của PV vào ngày 29-2, tại khu vực quy hoạch làm Công viên Sài Gòn Safari đã được cắm mốc lộ giới và giăng hàng rào kẽm gai.

Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ khu vực đã được quy hoạch làm dự án đang để cỏ dại mọc um tùm. Người dân địa phương tận dụng khu đất bỏ hoang rộng mênh mông trồng cỏ, hoa màu. Họ cũng đóng chuồng nuôi nhốt trâu, bò khiến nhiều loại cây được trồng bị gia súc phá, phân gia súc tràn ngập khắp nơi.

Trong khu vực dự án, chủ đầu tư đã cho trồng một số loại cây song chúng không lớn nổi, phần vì bị trâu bò phá, phần vì thiếu sự chăm sóc.

Ông Phan Văn Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, nhìn nhận: “Thảo Cầm viên đang quản lý khoảng 30 ha đã thu hồi để làm khu vực hậu cần như ươm giống, trồng cây, nuôi một số thú. Thực tế có tình trạng người dân trở lại lấn chiếm nuôi nhốt trâu bò, trồng cỏ và làm ảnh hưởng đến số cây trồng nêu trên”.

Dự án công viên bán hoang dã “đắp chiếu” cả thập niên nên nhiều người dân tranh thủ nuôi trâu, bò. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Việc chậm trễ bồi thường, tái định cư làm nhiều người trở lại chiếm đất của dự án. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Dân mòn mỏi chờ tái định cư

Theo ông Phạm Hoàng Hà, Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây, một số hộ dân có thắc mắc về việc áp giá bồi thường. “Xã An Nhơn Tây có 371 hộ bị ảnh hưởng và hiện nay còn hơn 10 hộ vẫn ở lại trong khu quy hoạch” - ông Hà nói.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Gái cùng chồng và ba con với cháu nội vẫn bám trụ ở mảnh đất của gia đình trong dự án là vì lý do khác. “Năm 2004 huyện thông báo thu hồi đất và sẽ bồi thường, tái định cư và tạo công ăn việc làm ở công viên cho sáu con của tôi. Tuy nhiên, chúng tôi chờ đợi mòn mỏi vẫn không thấy nên chúng tôi chờ khi nào có nơi tái định cư sẽ đi” - bà Gái nói.

Theo thống kê, trong tổng số hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng có hơn 240 hộ đăng ký tái định cư song hơn 11 năm qua huyện Củ Chi vẫn chưa xây được. Ông Lê Văn Thật, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Củ Chi (được giao xây khu tái định cư), cho hay khu vực tái định cư đã được quy hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì người dân ở đây đang khiếu nại về giá cả bồi thường. “Dự án đã giải tỏa được 95%, còn 15 trường hợp đề nghị có nơi tái định cư mới nhận tiền bồi thường. TP.HCM đã giao huyện rà soát  để có đề xuất và chúng tôi đang chờ TP chỉ đạo để có hướng xử lý tiếp theo” - ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nói thêm.

“Sài Gòn Safari chậm không phải do Thảo Cầm viên”

Ông Phan Văn Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, nói với Pháp Luật TP.HCM: “Dự án gặp vướng mắc lớn nhất là việc bồi thường, thu hồi đất. Chúng tôi đã gửi cả trăm công văn đề nghị huyện Củ Chi hỗ trợ, sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa xong”.

. Trước các vướng mắc này, Thảo Cầm viên đã tham gia tháo gỡ ra sao?

+ Dự kiến trong tuần này, Thảo Cầm viên sẽ làm việc với UBND huyện Củ Chi về vấn đề này. Trước đó, năm 2015 UBND TP giao Thanh tra TP lập tổ công tác liên ngành tiếp người dân và đã có kết luận. Theo tôi được biết thì UBND TP giao huyện Củ Chi xác định lại cho đúng loại đất, đơn giá bồi thường.

Cũng trong năm 2015, UBND TP chỉ đạo huyện Củ Chi làm xong khu tái định cư nhưng huyện vẫn chưa thực hiện được vì người dân cho rằng chưa giải quyết xong chuyện bồi thường nên ngăn cản.

. Như vậy liệu đến bao giờ dự án Công viên Sài Gòn Safari mới được xây dựng?

+ Ở dự án này còn vướng mắc về việc quy hoạch 1/2000. Giá thuê đơn vị nước ngoài lập cao hơn khung giá cho phép. UBND TP đã ba lần gửi công văn xin ý kiến Bộ Xây dựng nhưng chưa giải quyết xong. Vì vậy việc xây dựng công viên này nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều cơ quan khác chứ không phải do Thảo Cầm viên Sài Gòn.

. Có thông tin cho rằng Saigon Tourist, Bến Thành Tourist, thậm chí Vinpearl sẽ tham gia đầu tư vào dự án, thực hư thế nào, thưa ông?

+ Chúng tôi chưa nghe thông tin việc Vinpearl đầu tư vào dự án và việc chọn nhà đầu tư nào là do UBND TP quyết định.

. Ở Phú Quốc và Long An đều có safari. Vậy Sài Gòn Safari ra đời sau sẽ có điểm gì độc đáo hơn để cạnh tranh?

+ Trong thiết kế trước đây, chưa chính thức, Sài Gòn Safari sẽ có tuyến đi thuyền dọc sông Mê Kông. Chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều mô hình Safari Thái Lan, Singapore... Mỗi cái safari có những điểm thu hút riêng. Safari Sài Gòn có lợi thế như ở ngay TP.HCM, nằm gần địa đạo Củ Chi vốn thu hút khách du lịch.

QUỲNH NHƯ

Siêu dự án Công viên Safari

Dự án Công viên Sài Gòn Safari có tổng mức đầu tư 500 triệu USD, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án cách trung tâm TP 50 km, được kỳ vọng sẽ là công viên, khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Công viên này có khu thả thú bán hoang dã được dùng để thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới; khu trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục... Dự kiến có khoảng 300 loài động vật với khoảng 10.000 con cùng 3.000 loài thực vật, bao gồm cả cây cảnh, cây xanh và dây leo ở công viên này.

Theo UBND TP, đối với việc dự án chậm triển khai do đây là dự án có nguồn kinh phí đầu tư lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế nên cần nhiều thời gian, lộ trình kêu gọi đầu tư. Tuy vậy, chính quyền địa phương và đơn vị được giao đất thiếu chủ động trong kiểm tra, quản lý và công tác phối hợp không chặt chẽ dẫn đến việc một số hộ dân tái sử dụng đất đã được bồi thường và thu hồi.

Trách nhiệm chính thuộc về UBND huyện Củ Chi và UBND xã An Nhơn Tây, xã Phú Mỹ Hưng và lãnh đạo Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm