Đó là gia đình bà Trần Thị Dung (tổ 221, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Trước đây bà có hộ khẩu ở quận 8 với mẹ. Sau khi mẹ mất, bà bán nhà và cùng các con đi ở mướn. Bà và hai con mù chữ, một đứa biết chữ chút ít.
Cách đây vài năm, em gái bà Dung mất đi để lại một bầy trẻ 12 người gồm cả con và cháu, hầu hết đều không biết chữ, không được đi học, nhiều em không có giấy khai sinh. Gia đình có tất thảy 17 người. Những đứa con, cháu của bà tới tuổi lao động đều rất khó kiếm việc làm do không có giấy tờ và mù chữ. Họ sống mặc cảm, tránh giao tiếp với mọi người.
Chính quyền xã Bình Hưng cho biết họ chưa được báo cáo về hoàn cảnh gia đình bà Dung. Họ sẽ tìm hiểu và sẽ làm mọi cách trong khả năng và thẩm quyền để làm giấy khai sinh cho lũ trẻ, tạo điều kiện cho chúng đến trường.
Thời điểm triều cường là lúc nước trong nhất đối với lũ trẻ. Chúng bơi như cá xung quanh nhà. Người lớn tắm giặt cũng trên dòng kênh này.
Cô bé này tên Huệ Ngọc, 6 tuổi, cháu ngoại bà Dung. Em may mắn hơn các dì, cậu họ cách nhau chỉ vài tuổi sống cùng nhà vì em có giấy khai sinh. Nhưng mẹ em lo lắng không đủ tiền cho con đi học. Mỗi ngày mẹ của Ngọc đi phụ quán cơm được 150.000 đồng, số tiền chỉ đủ mua gạo và đồ ăn giá rẻ cho cả đại gia đình.
Căn nhà tạm không đủ chỗ ngủ, phải quây thêm căn chòi này làm chỗ ngủ. Ngay phía sau căn chòi này là ngôi mộ cũ
Nước rút, con kênh đen bốc mùi hôi. Nhưng đây là nguồn nước duy nhất để tắm giặt. Chỉ có nước nấu ăn mới được mua mang từ bên ngoài vào.
Cậu bé này rất nhút nhát, khóc òa khi thấy người lạ.
Bọn trẻ tự xúc cơm ăn vào buổi xế. Ngày hôm đó chúng không ăn cơm tối. Bọn trẻ cũng đã quen với việc đi ngủ không bữa tối. Cái tivi cũ này gia đình bà mua lại của nhà hàng xóm khi họ dời đi nơi khác
Chỉ khi lũ trẻ trở về nhà vào buổi tối, bà Dung mới đếm được hết bầy con, cháu của mình. Khi hỏi tên các con cháu của mình, bà xòe ngón tay đếm một hồi rồi lẫn lộn. Bà không biết chữ.