Gia đình 17 người nghèo xơ xác bên dòng kênh đen

Len lỏi qua con đường nhỏ đầy cỏ dại và những ngôi mộ nằm rải rác, rồi phải lội qua một vùng ngập nước hôi thối chúng tôi mới vào được ngôi nhà quây bằng tôn nham nhở của bà Trần Thị Dung (tổ 221, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Dù đang thời điểm triều cường nhưng con kênh bao quanh nhà bà Dung vẫn xám đen, bốn đứa trẻ đang bơi như cá xung quanh nhà. Đó là thời điểm nước trong nhất, sạch nhất đối với chúng. Hỏi bà Dung có bao nhiêu đứa cháu, bà xòe đếm ngón tay: thằng Bi, thằng Thanh, thằng Mút-ka-tây, con My, thằng Mút-ta-pha… Rồi bà nói: “Đợi đêm tụi nó về nhà ngủ tui mới nhớ được hết, đông đủ là 17 người đó. Nhưng tui già rồi, đếm một hồi lại lộn xộn, cô ơi”. Bà Dung không biết chữ, con của bà cũng không biết chữ nên bà chẳng thể viết tên con cháu của mình, chỉ dựa vào trí nhớ.

Những đứa trẻ sống như cỏ dại

Thật ra gia đình bà Dung không đông đúc như thế nếu em gái bà Dung không mất đi, để lại 12 người gồm cả con và cháu, hầu hết đều không biết chữ, không được đi học. Và đám trẻ con lít nhít trong gia đình đó đều không có cha, nhiều em không có giấy khai sinh.

Con gái ruột của bà Dung là chị Uyên Thảo, không biết chữ, cũng đã sinh cho bà ba đứa cháu ngoại. Thảo làm mẹ đơn thân. Thảo đi phụ quán cơm mỗi ngày được 150.000 đồng mua gạo cho cả đại gia đình. Thảo là người có công việc ổn định và thu nhập khá nhất nhà. Thảo có hai em trai, đã đủ tuổi lao động. Nhưng vì không biết chữ nên xin đi làm khó khăn, lúc có việc lúc không.

Đàn con đông đúc của em gái bà Dung, gọi bà Dung là dì Ba, sống lay lắt như cỏ dại, mồ côi mẹ và không có cha. Bà Dung cho hay đàn cháu của bà có đứa họ Huỳnh, có đứa họ Kaghim. Bà nói: “Em tui nó cũng không biết chữ, hồi nó chết đi không thấy giấy tờ nào. Tui mù chữ, con gái tui cũng mù chữ nên không biết đường đâu mà lần. Tui hộ khẩu quận 8, em gái tui trước đây ở Tiền Giang”. Khi được hỏi những đứa cháu hộ khẩu ở đâu, bà nghĩ một hồi rồi nói: “Tui không rành”.

Những đứa con của Uyên Thảo chơi chung với các anh em họ và cậu, dì chỉ cách nhau vài tuổi. Chẳng đứa trẻ nào có bỉm hay quần áo sạch. Khi cậu bé tè dầm, dì của em là My (tám tuổi) bế ngay đứa trẻ nhúng xuống con kênh đen, rửa qua loa rồi đưa bé lên bờ. Họ giặt giũ cũng trên con kênh đó.

Chỉ buổi tối, khi những đứa trẻ quây quần xem tivi, bà Dung mới đếm hết được những đứa cháu của mình. Ảnh: HỒNG MINH

Trong bầy cháu của bà Dung, một số đã đến tuổi lao động. Nhưng cũng chẳng có tương lai nào cho họ phía trước. Kaghim Samila 31 tuổi, đau ốm, gầy tóp nhưng không có tiền đi chữa bệnh, không có việc làm. Vậy nhưng cô cũng có hai đứa con trai 12 và 13 tuổi. Những đứa trẻ này không có cha và không được đến trường.

Chị của Samila có một con trai tên Bin, không có cha và không có giấy khai sinh. Bin cũng không nhớ tên thật của mình, nói: “Con muốn được đến trường đi học như mấy bạn trong xóm. Bây giờ con đang học lớp tình thương một tuần ba buổi tối”. Mẹ của Bin đã về lại Tiền Giang đi làm mướn. Dì của Bin là Tiểu My, tám tuổi, cũng đang học lớp tình thương và đã đọc được chữ chạy trên truyền hình. Nhưng trong nhà không có bất cứ quyển tập hay chỗ nào cho cô bé ngồi học. Điều khó khăn là bé chưa viết được tên của những anh chị cùng mẹ khác cha mang họ người Chăm mà theo cô bé là “tên y như người nước ngoài”.

Không bữa tối, không tương lai

Quay lại nhà bà Dung vào buổi tối, những đứa trẻ quây quần giành nhau chỗ để xem tivi. Hỏi thăm chúng đã ăn tối chưa, Mút-ka-tây (12 tuổi) ngượng nghịu nói: “Con ăn hồi xế, nhà không ăn cơm tối”. Những đứa trẻ gầy và bé hơn tuổi thật. Khi buồn ngủ, chui vào góc nhà nằm ngủ. Hai đứa trẻ chạy ra một cái chòi quây bằng vải cũ gần đó, sát bên một ngôi mộ vì trong nhà không đủ chỗ. Chúng để nguyên chân bẩn đất chui vào chăn và đã quen với việc đi ngủ không có bữa tối.

Bà Dung cho biết nhà bà mỗi ngày nấu 3-4 kg gạo, đó cũng đã là một gánh nặng rồi. Bầy trẻ nếu ăn đủ sức phải hơn 5 kg gạo. Con gái bà đi chợ sớm, nếu thấy trứng gà vịt bị vỡ hoặc cá ế thì mua rẻ về kho cho lũ trẻ. Có đứa cháu đi lượm ve chai, đi làm bảo vệ mang tiền về thì đại gia đình có thêm đồ ăn. Bà nói: “Mấy đứa con trai xin việc khó quá, đi đâu người ta cũng đòi có trình độ, phải biết chữ. Có đứa làm thợ cũng kiếm được tiền nhưng khi đủ thợ là người ta lại loại nó ra”.

Có một nhà hảo tâm hằng tháng cho chục ký gạo, khi có tiền thì họ cho thêm vài ký gạo. Số gạo đó hết vèo trong vài ngày. Căn nhà đang ở cũng là do nhà hảo tâm đó cho tiền mua tôn để quây lại. Bà Dung trong người nhiều bệnh nhưng không dám đặt chân đến bệnh viện nữa. Cách đây khá lâu, khi đi khám bao tử, con trai bà đã phải trả hơn 1 triệu đồng. Đối với bà, lần đó đến bệnh viện thực sự là… sạt nghiệp.

Những đứa bé hay chạy ra xóm tìm bạn bè cùng trang lứa nhưng những đứa cháu đến tuổi thanh niên phải sống mặc cảm, lủi thủi, ít giao tiếp. Có một đứa cháu trai tính cách bỗng trở nên ngang bướng bất cần, thậm chí từng đi đánh lộn. Bà Dung lo lắng: “Tôi không biết gia đình này sẽ đi về đâu, còn có chuyện gì nữa không”…

Bạn đọc giúp đỡ gia đình bà Trần Thị Dung, xin gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp gia đình bà Trần Thị Dung”).

Lãnh đạo xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết địa phương không được báo cáo về hoàn cảnh của bà Dung và bà cũng chưa từng đến xã gặp chính quyền để được giúp đỡ. Tuy nhiên, sau phản ánh của báo, địa phương sẽ cử người đến gặp và tìm cách tháo gỡ vấn đề giấy khai sinh cho những đứa trẻ dù chúng không có hộ khẩu tại đây. Nếu cần, xã sẽ xin ý kiến của Sở Tư pháp để được hướng dẫn, đảm bảo quyền lợi đi học của trẻ em.

Gia đình 17 người nghèo xơ xác bên dòng kênh đen ảnh 2

Dòng kênh đen quanh nhà là nơi tắm giặt của cả gia đình. Chỉ nước dùng để nấu ăn là mua từng can mang vào.

_________________________________

Bà Dung đến ở đây đã gần sáu năm rồi. Gia cảnh của gia đình này phải nói là quá khổ, con cháu quá đông mà không có việc làm. Họ cũng không thể đăng ký tạm trú được vì nhà họ đang ở là cất tạm trên đất dự án. Con cháu họ nhiều người không có giấy tờ nên chỉ đi học lớp tình thương. Bà con ở đây thỉnh thoảng cũng qua lại san sẻ nhưng ở đây ai cũng nghèo hết nên động viên là chính.

Chị PHẠM THỊ THẢO, tổ trưởng tổ dân cư 221, ấp 4B

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm