Bà Hải cho biết lúc đó có nhiều đoàn nước ngoài đến TP.HCM với mong muốn giúp sức thực hiện các dự án cải thiện, nâng cấp đô thị nhưng lúc đầu chỉ có chính phủ Bỉ quyết định tài trợ dự án ở lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Bà Hải nhớ lại: “Về cải tạo kênh, hồi đó chúng tôi chỉ giải tỏa, xây kè thí điểm một đoạn kênh chừng 60 m ở quận 6. Do cả tuyến kênh dài hơn 7 km bị ô nhiễm mà chỉ làm được một đoạn ngắn nên cũng như không. Tuy nhiên, nhờ công trình này mà phía TP.HCM nhận ra chúng ta có thể khôi phục dòng kênh ô nhiễm này”.
1. Trẻ em vui chơi trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau ngày khánh thành. Ảnh: HTD
2. Dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm dày đặc rác thải, ô nhiễm trước khi cải tạo. Ảnh: T.THANH
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị (dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ), cho biết: “Trước đó, từ năm 1996 Sở Nhà đất (nay là Sở TN&MT TP) đã tổ chức điều tra, thống kê trên địa bàn TP có hơn 25.000 căn nhà trên kênh, rạch. Những khu vực ven kênh tạo ra cảnh quan hết sức hỗn độn, nước kênh đen ngòm, đặc quánh và hôi thối đã trở thành những ổ chứa mầm bệnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do đó lãnh đạo TP chỉ đạo phải quyết tâm thực hiện bằng được các dự án cải tạo kênh, rạch để đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân” - ông Liêm nhớ lại.
Theo ông Liêm, từ lúc thành lập Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị cho đến khi thực hiện xong dự án thành phần số 4 (cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm) là cả 14 năm trời ròng rã, nhiều áp lực. “Các khu vực nâng cấp đã quá tải về hạ tầng cơ sở như nhà cửa tạm bợ, nền địa chất yếu, ngập lụt… nên việc tổ chức thi công hết sức khó khăn. Những lúc cuộc sống của người dân bị xáo trộn, chúng tôi cũng ăn ngủ không yên. Những lúc như thế chỉ mong người dân cảm thông để việc thi công diễn ra suôn sẻ…” - ông Liêm chia sẻ.
Ông Liêm cũng bày tỏ: “Công trình đã hoàn thành giai đoạn 1. Để phát huy hiệu quả, người dân cũng phải hợp sức giúp gìn giữ môi trường, cảnh quan, không xả rác hay xâm hại kết cấu kỹ thuật công trình. Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu tìm nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2 - xây nhà máy xử lý nước thải. Khi giai đoạn 2 hoàn thành, dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm sẽ thực sự trong xanh”.
Trước đây dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm có hơn 470.000 người sinh sống và 15.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên lượng nước thải và rác xả xuống kênh rất lớn làm kênh ô nhiễm trầm trọng. Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh được thực hiện trên địa bàn các quận 6, 11, Tân Phú và Tân Bình với toàn tuyến dài hơn 6,8 km, được thực hiện từ tháng 12-2011 đến 12-2014 đã giải quyết giao thông thuận lợi, giảm ngập nước, cải thiện vệ sinh môi trường và tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân. |