‘Chung cư mini’ và khoảng trống pháp luật

(PLO)- Những căn hộ riêng lẻ “biến hoá” thành chung cư được phê duyệt an toàn PCCC công trình như nhà ở thông thường khiến cho sự an toàn của người sử dụng bị treo lơ lửng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày này, tôi đang có chuyến công tác ở Hà Nội. Khi nhận được tin báo vụ cháy 'chung cư mini', tôi vừa về khách sạn và nghỉ ngơi được đôi chút. Vụ cháy kinh hoàng đó cách nơi tôi ở chừng 8 km, nghe tin xong tôi bị ám ảnh cả ngày và sẽ còn rất lâu bởi nó.

Khi người dân đọc được những bản tin trên báo thì ngay cả lời cầu nguyện dường như cũng đã quá muộn.

Cho đến giờ, chưa có quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) riêng cho những ngôi nhà vốn được cấp phép dưới dạng căn hộ riêng lẻ rồi sau đó “biến hoá” thành chung cư. Việc kiểm tra, phê duyệt quy chuẩn PCCC cho nó nếu có cũng chỉ là kiểm tra và phê duyệt an toàn PCCC công trình nhà ở thông thường. Những phát sinh về quyền sử dụng, công năng sau đó không được kịp thời điều chỉnh. Và cũng từ đó, sự an toàn sức khoẻ tính mạng của người sử dụng bị treo lửng lơ.

Ảnh chụp Màn hình 2023-09-14 lúc 08.20.29.png
Chung cư mini bị cháy tại quận Thanh Xuân gây hậu quả nghiêm trọng

Một mảnh đất hơn trăm mét vuông, xây nhiều tầng, mỗi tầng nhiều căn hộ, thì toà nhà đó đích thị là một chung cư thu nhỏ. Và chứa trong nó cả một cộng đồng dân cư với giờ giấc sinh hoạt, nghề nghiệp khác nhau thì không thể quản lý, cấp phép như với nhà ở riêng lẻ được. Không thể đơn giản coi nó chỉ là một căn nhà to có nhiều phòng. Không quản lý PCCC căn nhà ấy như là chung cư ngay từ khi cấp phép, nhưng cũng không thể ngăn cản nó tồn tại với cả cộng đồng dân cư vào ở. Bởi sau khi đã xây xong, chủ nhà mới bán hoặc cho thuê.

Cho đến khi sự cố xảy ra, xã hội nói chung sẽ muốn tìm một địa chỉ để quy trách nhiệm. Nhưng trước khi nhìn thấy sự tắc trách của cán bộ hoặc cơ quan cụ thể nào đó (bao giờ cũng có và bao giờ cũng sẽ tìm thấy thôi) ta cần thẳng thắn để nhìn thấy trách nhiệm lớn nhất là quản lý vĩ mô về xây dựng và đô thị. Chính nó đã tạo ra một khoảng trống mênh mông về quy chuẩn.

Những ngày này bảy năm trước, tháng 9-2016 tôi xin visa vào Anh để theo học một khoá nghiệp vụ quản trị truyền thông ngắn ngày do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Lãnh sự quán Anh hẹn tôi ba ngày trước khi bay sẽ có thị thực. Thế nhưng đúng hẹn thì hồ sơ của tôi bị từ chối. Lý do là tôi khai nơi ở khi đến London là nhà riêng của người đối tác với đơn vị tổ chức khoá học. Lãnh sự quán Anh trả lời: Chúng tôi đã xác minh, ngôi nhà ấy chỉ đủ điều kiện cho hai người ở nhờ, nhưng ông ấy bảo lãnh đến ba người và anh là người thứ ba.

Phải mất mấy ngày để làm lại hồ sơ xin visa với sự hỗ trợ của một công ty du lịch, tôi được cấp visa vào Anh muộn một ngày so với khoá học, sau khi đã chứng minh nơi ở lần này là một khách sạn ở London.

Lần đó tôi cứ tự hỏi: Bao giờ thì chúng ta có thể nắm được một căn nhà không đủ điều kiện được đón thêm dù chỉ một khách ở trọ?

Với quy định hiện nay, cơ quan quản lý có thể cấp phép cho người dân xây một ngôi nhà to có mấy chục phòng giống nhau. Xây xong, chủ nhà có thể cho thuê hoặc bán từng phòng với công trình khép kín (miễn đáp ứng diện tích tối thiểu và các quy định khác của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở). Cái giấy phép xây nhà ở riêng lẻ đã thành tiền đề pháp lý cho việc xuất hiện sau đó một toà chung cư đúng nghĩa với mấy chục hộ gia đình.

Vì vậy, nhà ở riêng lẻ, nếu xây theo dạng nhiều căn hộ nhỏ, phải cấp phép xây dựng với các điều kiện PCCC như với chung cư, và khi có chuyển dịch về quyền sử dụng, quyền sở hữu chung cho nhiều người hoặc nhiều đối tượng vào ở, phải quản lý như nhà chung cư.

Khi chưa làm được điều đó, thì vẫn tồn tại một khoảng trống tiềm ẩn nguy cơ trong quản trị xã hội và quản lý đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm