là thực trạng đang diễn ra tại nhiều khu chung cư tái định cư, khu tập thể tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Rất nguy hiểm
Khu tập thể 48 Chi Lăng, phường Phú Cát, TP Huế là một trong những khu tập thể cũ kỹ nhất tại Thừa Thiên-Huế. Ghi nhận thực tế tại đây, chúng tôi ám ảnh với hình ảnh nhiều trẻ em vui đùa bên những căn nhà rệu rã với những bức tường nứt nẻ chi chít, nhiều điểm bị hư hỏng trơ ra khung sắt.
Bên trong các căn nhà người dân phải sử dụng bạt để che vì dột nát, chẳng khác gì những căn nhà hoang. Bà Nguyễn Thị Nga, 55 tuổi, sống tại khu chung cư này, than thở những căn nhà này xuống cấp từ lâu. Người dân nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng sửa chữa nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Bà Nga dẫn chúng tôi đến bức tường ngay lối đi vào khu nhà tập thể 48 Chi Lăng. Tại đây chỉ cần một lực nhẹ là mảng bê tông to bằng hai bàn tay bong tróc. “Mới đây đứa cháu nhỏ vừa bị một miếng bê tông rơi trúng vào chân. Tôi dặn mãi mấy đứa con là đừng chơi loanh quanh ở dưới các ngôi nhà, nhà cửa thế này không biết chuyện gì có thể xảy ra” - bà Nga nói.
Còn tại các dãy chung cư I, Q, K ở phường Phú Hậu, TP Huế cũng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng tuy mới được đưa vào sử dụng từ năm 2005. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thanh Hà, tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Phú Hậu, cho biết các dãy nhà I, Q, K đưa vào sử dụng được khoảng bảy năm thì bắt đầu xuống cấp. Ví dụ, mái tôn hư hỏng khiến nước dột vào nhà, người dân phải dùng xô chậu để hứng nước; các hệ thống ống dẫn nước hư hỏng, tường bị ẩm nước khiến người dân không dám sử dụng hệ thống điện ngầm nên đành phải ngắt nguồn điện, đấu dây chạy lộ thiên để sử dụng.
Phải chờ họp, báo cáo cấp trên
Ông Dương Đăng Trường Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế, thông tin: Từ tháng 8-2017, khu tập thể 48 Chi Lăng, phường Phú Cát được bàn giao cho đơn vị quản lý theo diện công trình thuộc sở hữu nhà nước. Trước đó, khu tập thể thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên-Huế.
Hiện nay khu nhà tập thể này đã ở cấp độ nguy hiểm “cấp D” (cấp độ nguy hiểm, buộc phải tháo dỡ). Tuy nhiên, việc di dời người dân ra khỏi công trình chưa thể thực hiện được vì cơ quan ông phải báo cáo lên cấp trên. Sau đó đợi các cơ quan ban ngành họp, xây dựng phương án, cấp vốn, tỉnh thống nhất chủ trương rồi mới thực hiện được.
Còn tại các dãy nhà I, Q, K khu chung cư phường Phú Hậu xảy ra tình huống trớ trêu là cả người dân lẫn chính quyền địa phương cũng không biết đâu là đơn vị chủ quản để kiến nghị khắc phục, sửa chữa. Bà Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hậu, cho biết: “Hiện nay địa phương cũng không biết cơ quan nào quản lý chung cư này. Nên giờ phường muốn bỏ tiền ra sửa chữa cũng không được. Phường đã kiến nghị lên TP và tỉnh tại các cuộc họp HĐND” - bà Huyền nói.