Các nhân chứng sống người Việt Nam ở Hoàng Sa:

“Chúng tôi từng cưu mang ngư dân Trung Quốc bị nạn ở Hoàng Sa”

Ngày 9-6, những nhân chứng từng sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 đã đến thăm, gặp thân mật với lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng).

Ông Trần Văn Bảo (sống ở Hà Nội), có cha là Trần Văn Phước, một sĩ quan hải quân thời Pháp thuộc từng sống cùng bố, mẹ và hai người em trên đảo Hoàng Sa (quần đảo Hoàng Sa) từ năm 1938-1940 đã kể lại: “Tôi rất vinh dự vì đã từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa cách đây đã 3/4 thế kỷ. Bố tôi được người Pháp phân bổ làm trưởng trạm vô tuyến đầu tiên tại Hoàng Sa. Lúc đó tôi mới năm tuổi, tôi thuộc những công dân người Việt đầu tiên sinh sống ở Hoàng Sa. Lúc chúng tôi ra đảo, có rất nhiều người trên đảo đã chạy ùa ra bế anh em tôi. Nó xua tan đi những lo sợ lạ lẫm khi xa đất liền. Khi chúng tôi đến thì trên đảo Hoàng Sa đã xây dựng cột ăng-ten vô tuyến điện, đường sá trên đảo đã hình thành rất thẳng thắn, nhà cửa có khoảng 10 nóc nhà rất quy củ”.

Ông Trần Hòa (sống tại TP.HCM) từng tham gia vào lực lượng đồn trú của Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa cũng nhớ lại: “Chúng tôi ra Hoàng Sa đã thấy đảo được xây dựng rất khang trang, trên đảo đã có cầu tàu. Lúc đến Hoàng Sa, tôi là một y tá mới 19-20 tuổi”. Đặc biệt, ông Hòa còn nhớ lại hình ảnh ông và đồng đội công tác trên đảo Hoàng Sa từng cứu và cưu mang một gia đình ngư dân Trung Quốc (TQ) khi gặp bão. “Khoảng tháng 10-1973, Hoàng Sa xuất hiện bão. Chiều hôm đó sóng rất lớn, có một chiếc tàu cá của ngư dân TQ đang hướng tới Hoàng Sa. Chúng tôi đã ra cứu, kéo họ vào Hoàng Sa để tránh bão. Hôm đó, bão dữ dội và hôm sau tàu của họ hoàn toàn bị đánh tan. Chúng tôi phải nuôi gia đình ngư dân TQ này. Theo quy định, chúng tôi chỉ được cấp bảy lạng gạo/ngày nhưng khi gia đình ngư dân này được cứu, chúng tôi phải chia ra để nuôi sống họ”. Ngẫm đến chuyện tàu cá TQ đâm chìm tàu cá Việt Nam, ông Hòa bức xúc: “Chúng tôi đã từng cưu mang ngư dân TQ, thế mà giờ đây họ có thể nhẫn tâm đâm chìm cả tàu cá của chúng ta không thương tiếc”.

Đặc biệt, chuyến thăm này còn có anh Nguyễn Hoàng Sa, có cha là Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng đã nằm lại cùng chiến hạm Nhật Tảo (HQ10) vào ngày 19-1-1974 khi TQ dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Lúc bấy giờ mẹ anh mang thai anh được bảy tháng. Ngày 23-3-1974, anh ra đời và mẹ anh đã đặt tên là Nguyễn Hoàng Sa để tưởng nhớ đến người chồng đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Hiện anh đã có vợ, hai con và làm nghề thợ nhôm kính ở Thới Lai - Cần Thơ.

Trong buổi gặp mặt thân mật với lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa, các nhân chứng đã trao tặng huyện những kỷ vật và tài liệu thiêng liêng về chủ quyền Hoàng Sa vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm